DetailController

Kinh tế

Triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”

13/10/2022 00:00
Ngày 12/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 194/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.
Các Qũy tín dụng Nhân dân tập trung nâng cao năng lực tài chính theo hướng tăng vốn điều lệ, thu hút thêm thành viên mới.

Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn, nợ xấu đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% ( không bao gồmcác tổ chức tín dụng yếu kém); xử lý giải quyết dứt điểm Quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, không để phát sinh những tổ chức tín dụng yếu kém mới.

Kế hoạch đề ra các giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, cụ thể như sau:

Về cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Đối với các Quỹ tín dụng Nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại các Quỹ tín dụng Nhân dân và nhận diện các Quỹ tín dụng Nhân dân yếu kém, có nguy cơ mất an toàn để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hướng xử lý theo quy định pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát và xử lý tồn tại, yếu kém trong hoạt động của Quỹ tín dụng Nhân dân; nâng cao năng lực tài chính của Quỹ tín dụng Nhân dân theo hướng tăng vốn điều lệ, thu hút thêm thành viên mới trên cơ sở gắn kết giữa mở rộng nguồn vốn với hỗ trợ cho vay thành viên; không ngừng nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và hệ thống công nghệ thông tin của các Quỹ tín dụng nhân dân. Đối với các chi nhánh Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thực hiện chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện các nội dung được phân cấp cho các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn theo phương án cơ cấu lại của Hội sở ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt; nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ mới và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại phục vụ tốt nhu cầu giao dịch của khách hàng, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và phục vụ tốt cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Về xử lý nợ xấu: Các chi nhánh tổ chức tín dụng, Quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn thường xuyên đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định pháp luật; yêu cầu khách hàng bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm; thu nợ và xử lý tài sản bảo đảm; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu trên địa bàn theo chỉ đạo của Chính phủ. Các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả. Kiện toàn Ban chỉ đạo cơ cấu lại các Quỹ tín dụng Nhân dân. Thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra các chi nhánh ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Chỉ đạo, hướng dẫn các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2025 theo các nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự các huyện, thành phố phối hợp, hỗ trợ các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án về xử lý tài sản bảo đảm. Tăng cường hoạt động của tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến Ngân hàng, tổ chức tín dụng có điều kiện thi hành trên 1 năm. Thường xuyên rà soát, phân loại các việc án có điều kiện thi hành, xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết có hiệu quả và sớm tổ chức thi hành án dứt điểm các việc án có điều kiện.

Ủy ban nhân dân các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đặc biệt là hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương để xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm; tạo điều kiện để tổ chức tín dụng có thể xử lý nhanh tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu liên quan đến các vụ án đang được xử lý tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Các chi nhánh tổ chức tín dụng, Quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn tổ chức quán triệt, thực hiện Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và hướng dẫn của Hội sở theo đúng quy định. Bám sát phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của hội sở và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh. Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng. Báo cáo đầy đủ, kịp thời, trung thực kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong quá trình thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh./.