DetailController

Kinh tế

Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản năm 2022 ước đạt 4,57%, tăng 1,56% so với kế hoạch giao

26/12/2022 00:00
Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã chủ động thực hiện các chương trình, đề án và kế hoạch hành động cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu phát triển ngành; tham mưu thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất. Mặc dù đầu năm có chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, song hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành năm 2022 đều đạt và vượt so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra; giá trị sản xuất toàn ngành tăng khá.
Sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc

Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản năm 2022 ước đạt 4,57%, tăng 1,56% so với kế hoạch giao; giá trị sản xuất theo giá so sánh ước đạt 12,483 nghìn tỷ đồng tăng 4,9% so với cùng kỳ. Bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã, đạt kế hoạch đề ra. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới dự kiến 06 xã, đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 95,5%, đạt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định trên 51,5%, đạt kế hoạch đề ra.

Giá trị sản xuất trồng trọt theo giá so sánh ước cả năm đạt 7,09 nghìn tỷ đồng tăng 3,43% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 118,3 nghìn ha bằng 98,6 kế hoạch, trong đó cây lương thực có hạt 71 nghìn ha, sản lượng ước đạt 36,6 vạn tấn; Giá trị thu nhập trên 1 diện tích đất canh tác trồng trọt ước đạt 155 triệu đồng/ha, tăng 15 triệu đồng so với năm 2021. Sản xuất trồng trọt an toàn; xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt có giá trị kinh tế cao. Mô hình liên kết trong sản xuất cây gai xanh AP của Công ty CP tập đoàn An Phước để làm nguyên liệu phục vụ công nghiệp dệt may tại các huyện Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu với quy mô diện tích đạt trên 300 ha; thu nhập trên 150 triệu đồng/ha; mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng khả năng ra hoa, đậu quả trên cây bưởi đỏ tại huyện Tân Lạc, thu nhập trên 350 triệu đồng/ha; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu mía ăn tươi cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu bưởi đỏ ở Tân Lạc, bưởi diễn ở Yên Thủy… thu nhập trên 350 triệu đồng/ha.

Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi theo giá so sánh cả năm ước đạt 3,87 nghìn tỷ đồng, tăng 6,24% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất theo giá so sánh ước cả năm 1,192 nghìn tỷ đồng, tăng 6,05% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá so sánh cả năm ước đạt trên 330 tỷ đồng, tăng trên 14,98% so cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2022 toàn tỉnh có 71/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 55,81% ; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã (tăng 0,5 tiêu chí/xã); có 23 sản phẩm được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận OCOP từ 03 sao trở lên, nâng số sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận lên 123 sản phẩm.

Hệ thống thủy lợi đã phủ rộng khắp các xã trong tỉnh, cấp nước tưới chủ động phục vụ sản xuất cho Vụ Chiêm Xuân và vụ Mùa với khoảng 38.703 ha lúa, 13.400 ha hoa màu và cây vụ đông; 2.333 ha cây công nghiệp và cây ăn quả. Hệ thống đê điều liên tục được củng cố, nâng cấp và mở rộng, ngày càng kiên cố đảm bảo an toàn cho các khu vực được bảo vệ. Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đã có 1.909 công trình và hệ thống công trình thủy lợi; 3.723,3 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá được 2.015,7 km (đạt 54,1%); trên 42km đê các cấp thuộc các huyện Lương Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình. Công tác chỉ đạo tích nước ở các hồ đập, tu sửa kênh mương nội đồng và xây dựng kế hoạch chống hạn, phương án ứng phó khi hạn hán xảy ra trong năm được các địa phương chú trọng, do đó nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất./.