DetailController

">
">

Kinh tế

Tín dụng cho nền kinh tế: Vượt mốc ở mức… cần thiết

25/12/2009 00:00

Vượt giới hạn "kỳ vọng" ban đầu tới gần 8%, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong cả năm 2009 đạt tới hơn 37,7% được nhìn nhận như một mức tăng cần thiết làm bàn đạp cho kết quả tăng trưởng của nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng tăng cao phản ánh nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Tăng cao và chênh lệch

Với một loạt các giải pháp điều hành tín dụng liên tục được đưa ra trong suốt một năm theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ tái lạm phát, năm 2009 kết thúc với tổng phương tiện thanh toán tăng 28,67%, huy động vốn tăng 28,7% và tín dụng đối với nền kinh tế tăng 37,73%.

Đánh giá tại Hội nghị thực hiện nhiệm vụ ngân hàng năm 2009 và định hướng cho năm 2010 ngày 23.12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – ông Trần Minh Tuấn phát biểu, tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng đang ở mức cao bắt nguồn từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ mà nhất là việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất. Mức tăng cao này ảnh hưởng không thuận lợi tới việc kiểm soát lạm phát và ổn định lãi suất thị trường trong năm 2009 và sẽ còn kéo dài sang năm 2010 do độ trễ của tác động chính sách tiền tệ.

Chênh lệch lớn giữa tăng trưởng dư nợ tín dụng và khả năng cung ứng tiền có hạn cũng được nhìn nhận như một vấn đề nóng còn tồn tại của năm 2009. NHNN nhận định, tác động của các giải pháp kích thích kinh tế khiến nhu cầu vay vốn của DN cũng như hộ sản xuất tăng cao kéo theo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng ở mức cao (37,73%).

Trong lúc huy động vốn của các ngân hàng gặp nhiều khó khăn, chỉ tăng 28,7%, làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD). Giải quyết khó khăn này, lãi suất huy động được đẩy lên cao, song trần lãi suất cho vay bị khống chế bởi lãi suất cơ bản làm chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra bị thu hẹp. Các TCTD do vậy gặp khó khăn trong việc trích lập dự phòng rủi ro cũng như kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng.

Bàn đạp cho tăng trưởng

Phát biểu tại buổi làm việc trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, việc thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ đặc biệt với gói hỗ trợ lãi suất tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ. Do đó dù còn những hạn chế, chính sách hỗ trợ lãi suất giúp duy trì hoạt động của hàng trăm nghìn DN trên cả nước, ổn định sản xuất và góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của đất nước ở mức 5,2%.

Với mức tăng trưởng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo, VN nằm trong nhóm 12 nước có tăng trưởng kinh tế dương và là quốc gia có tăng trưởng cao nhất trong khu vực. “Nếu tăng trưởng ở dưới ngưỡng 5% sẽ không thể giải quyết được việc làm cho 1,6 triệu lao động như trong năm 2009 và tỉ lệ thất nghiệp theo đó cũng sẽ tăng lên” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Nhận định dư nợ tín dụng tăng cao phản ánh thực tế nhu cầu vốn của nền kinh tế nhằm vượt qua suy giảm, song bà Dương Thu Hương – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN (VNBA) - cho rằng, với tăng trưởng kinh tế đạt 5,2%, mức tăng trưởng tín dụng trên không quá lo ngại.

Dẫu vậy trong năm 2010, NHNN thông báo sẽ giảm mức tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế xuống còn 25% so với cuối năm 2009. Cùng với định hướng điều hành lãi suất và tỉ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô,  đảm bảo ổn định hoạt động và an toàn hệ thống, NHNN sẽ áp dụng biện pháp điều hành cung ứng tiền chặt chẽ và thận trọng.

Các mức lãi suất cơ bản, tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu cũng được điều chỉnh linh hoạt để kiểm soát mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý và thực dương, tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn vốn trong nền kinh tế, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng. Ngay với tỉ giá liên ngân hàng cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với tín hiệu thị trường theo hướng khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu và hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

Theo Báo Lao động