DetailController

Kinh tế

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả đối với công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

30/12/2022 00:00
Là một tỉnh miền núi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 75%. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các Chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ cho đồng bào nơi đây rất nhiều, nhất là đối với công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thời gian qua, Hòa Bình đã tổ chức dạy nghề và mở được trên 300 lớp với gần 10.000 học viên tham gia thế và với số kinh phí trên 26 tỷ đồng. Việc này đã giải quyết được vấn đề đào tạo nghề và áp lực về việc làm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng đã lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các nguồn ở các địa phương để hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề. Bên cạnh đó, tỉnh đã mở các lớp dạy nghề như mây tre đan, dệt thổ cẩm truyền thống, nghề may công nghiệp… đa số ở trong các lớp này thì gần như 100% học viên là chị em nữ đồng bào dân tộc thiểu số. Qua việc đào tạo nghề, các cơ sở đào tạo nghề lại thu hút được luôn nhóm lao động này, giúp chị em đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Mặc dù công tác đào tạo nghề cho người lao động nói chung, người dân tộc thiểu số miền núi nói riêng đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng công tác này vẫn còn nhiều khó khăn. Đối với nguồn lực thì nguồn trong các Chương trình và sự phối hợp xã hội hóa cũng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên trên thực tế, đội ngũ giảng viên, giáo viên còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được. Về trang thiết bị giảng dạy thì vẫn thiếu và những thiết bị hiện nay đang sử dụng cũng đã cũ, lạc hậu so với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, trong Chương trình mục tiêu quốc gia thì đối tượng để được hưởng, được tham gia đào tạo nghề là những hộ nghèo. Tuy nhiên, ở những hộ nghèo này, con em khi đến độ tuổi lao động thì phần lớn lại đi làm ăn xa, ở nhà chủ yếu là người già và trẻ em, đây cũng là một khó khăn đang gặp phải.

Năm 2022, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Trung ương và địa phương rất quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các Chương trình về các văn bản hướng dẫn, có một số bộ, ngành cũng chậm ban hành và nguồn lực để chuyển đến các địa phương cũng chậm. Chính vì vậy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có đào tạo, dạy nghề. Hiện nay khi Quốc hội cho phép chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023, đã tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, để các địa phương có thể triển khai được các Chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả nhất. Thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội trên toàn quốc cũng như đối với Hòa Bình.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề đối với lao động người dân tộc thiểu số, đồng chí  Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có đánh giá, khảo sát, điều tra về nhu cầu của người lao động và thực tế nghề được đào tạo ở địa phương có phù hợp hay không. Phối hợp với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh để mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, để sau khi được đào tạo người lao động sẽ có thể có được công việc luôn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cho người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nói riêng, để người dân yên tâm ở lại tại địa phương làm việc. Tiếp tục mở các trung tâm dịch vụ kết nối việc làm để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiền tuyển dụng được lao động và người dân, người lao động cũng có cơ hội để tìm kiếm việc làm. Cùng với đó, chúng tôi sẽ đổi mới cách thức đào tạo và thực hiện đào tạo về nông nghiệp nhiều hơn. Không chỉ là chuyển giao công nghệ mà chúng tôi sẽ đào tạo theo hướng “Cầm tay chỉ việc”, để công tác đào tạo nghề đạt được hiệu quả cao nhất cũng như tạo sự thuận lợi hơn cho bà con. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đối với những nghề đã chuyển giao, đã đào tạo để có thể nắm được tình hình cụ thể, kịp thời hỗ trợ cho bà con khi cần”./.