DetailController

Kinh tế

Thực hiện đồng bộ những biện pháp kỹ thuật nhằm phòng trừ một số sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây ăn quả có múi

06/02/2023 00:00
Cây ăn quả có múi là nhóm cây trồng nhiễm nhiều đối tượng sinh vật hại nguy hiểm. Theo dõi sản xuất những năm gần đây cho thấy, nếu người sản xuất đã chú ý phòng trừ những đối tượng như rầy chổng cánh, sâu vẽ bùa, bệnh vàng lá thối rễ... khá hiệu quả. Tuy nhiên còn những đối tượng rất nguy hiểm mà người sản xuất chưa biết cách phòng trừ hay phòng trừ kém hiệu quả, gây ảnh hưởng nặng nề tới năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đó là: (1) Nhóm nấm bệnh gây thối cuống, thối hoa làm rụng hoa, rụng quả non hàng loạt; (2) Nhóm nhện nhỏ, đặc biệt nhện rám vàng; (3) Bọ trĩ gây hại giai đoạn nụ hoa, quả non; (4) Bệnh chảy gôm do nấm Phytophthora.

Để phòng trừ có hiệu quả những đối tượng đã nêu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hoà Bình đề nghị các cơ quan chuyên môn cấp huyện; các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả có múi tập trung triển khai, hướng dẫn người sản xuất thực hiện đồng bộ những biện pháp kỹ thuật nhằm phòng trừ một số sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây ăn quả có múi. Trong đó đặc biệt chú ý: Tiến hành vệ sinh, thu gom tàn dư thực vật sau thu hoạch; cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh, cành già cỗi, cành vượt giúp thông thoáng vườn cây, tăng khả năng quang hợp, hạn chế nguồn nấm bệnh trên vườn cây. Quét vôi vào gốc và các vết cắt để hạn chế sự xâm nhiễm của nấm bệnh, hạn chế nguồn lây nhiễm. Đối với những vườn cây lâu năm, đã tích lũy nhiều nguồn nấm hại từ vụ trước gây hiện tượng rụng hoa, rụng quả,... cần tiến hành phun vệ sinh vườn cây bằng các loại thuốc trừ nấm phổ rộng, thuốc trừ nấm có gốc đồng như: Coc 85WP, Isacop 65.2WG, Stifano 5.5SL...Bón lót phục hồi sớm bằng các loại phân hữu cơ truyền thống hoặc phân hữu cơ đã qua chế biến cùng phân lân nhằm cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây, giúp cây sớm phục hồi, tạo tiền đề giúp tăng năng suất vụ tiếp theo. Kết hợp bổ sung thêm các chế phẩm nấm đối kháng để hạn chế nguồn nấm bệnh gây hại như  Tricodecma, Ketomium,...

Ngoài những biện pháp chung đã nêu, cần áp dụng các biện pháp phòng trừ cụ thể với từng đối tượng như sau:

Nhóm bệnh nấm bệnh: gây thối cuống, thối hoa làm rụng hoa, rụng quả non hàng loạt. Khi vườn cây bắt đầu nhú nụ và khi đậu quả non cần tưới nước giữ đủ độ ẩm cho vườn cây. Phun phòng nấm bệnh bằng các loại thuốc trừ nấm phổ rộng (chú ý giai đoạn này không sử dụng các thuốc trừ nấm gốc đồng, gốc lưu huỳnh); trong điều kiện thời tiết mưa ẩm kéo dài, có thể dùng các giải pháp như rung lắc mạnh tán cây hoặc phun nước lên tán lá để giúp loại bỏ các cánh hoa bị thối bết lại trên các chùm hoa. Thụ phấn bổ sung cho cây ăn quả có múi (đặc biệt là cây bưởi) trong khoảng 1 tháng từ lúc bắt đầu nở hoa lần 1 đến lần 3; sử dụng phấn hoa của cây bưởi chua, bưởi sớm khác quét lên nhụy hoa cây cần thụ phấn; với quá trình thụ phấn bổ sung, mọi biến đổi đều xảy ra ở hạt, không ảnh hưởng đến chất lượng di truyền của giống. Khi thấy bệnh xuất hiện có thể sử dụng một số loại thuốc trừ nấm đặc trị nhóm hoạt chất Metalaxyl, Propineb, Fosetyl-Alumilium...;phun nhắc lại sau 5-7 ngày. Có thể phun bổ sung các loại phân bón qua lá có thành phần là các nguyên tố trung, vi lượng nhằm tăng sức đề kháng cho cây, tăng khả năng đậu quả.

Đối với nhóm nhện nhỏ:  đặc biệt là nhện rám vàng (Phyllocoptruta oleivora Ashmead) gây hại chủ yếu trên quả làm vỏ quả biến màu nám, sần, ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã quả có múi.

Gây hại chủ yếu vào mùa nắng, nóng (tập trung từ tháng 4 - tháng 8). Cần thăm vườn thường xuyên, phát hiện sớm các triệu chứng rám quả, mật độ nhện trên các quả trong tán.

Bảo vệ và lợi dụng nhiều loài thiên địch tự nhiên. Chỉ sử dụng thuốc hoá học để trừ nhện khi kiểm tra vườn cây thấy mật độ khoảng 3 con trưởng thành/lá hoặc quả. Cần sử dụng các loại thuốc đặc trị nhện để ngăn chặn sự bộc phát tính kháng thuốc và sử dụng luân phiên các loại thuốc hóa học.

Có thể sử dụng một số loại thuốc như: Angun 5WG; Ababetter 1.8EC; Abagold 38EC; Abamine 3.6EC; Aremec 18EC, 36EC; Detect 50WP; Comite(R) 73 EC; SK-Enspray 99EC; Brightin 4.0EC; Superrex 73EC; Catex 1.8EC, 3.6EC; Dylan 2EC; Realgant 1.8EC, 3.6EC; Pesieu 350SC; Tasieu 1.0EC, 1.9EC, 2WG, 5WG; Atmite 73EC; ... Dùng theo hướng dẫn in trên bao bì. Hoặc các thuốc khác có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đăng ký trừ nhóm đối tượng này.

Đối với Bọ trĩ: hại giai đoạn nụ hoa, quả non gây hiện tượng rụng hoa, tạo sẹo nhám trên quả làm giảm giá trị thương phẩm. Tỉa cành tạo độ thông thoáng, phát quang bờ bụi xung quang vườn cây có múi để loại bỏ cây ký chủ của bọ trĩ. Sử dụng một trong các thuốc: Catex 1.8 EC, 3.6EC; Silsau1.8EC, 3.6EC, 10WP; Visit 5EC; ... Dùng theo hướng dẫn in trên bao bì. Hoặc các thuốc khác có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam đăng ký trừ đối tượng này.

Đối với bệnh chảy gôm: Do nấm Phytophthora citricola Sawada gây nên, cần đào rãnh thoát nước tốt cho vườn cây, tránh tình trạng gây úng cục bộ. Dùng Boócđô 1% quét 2 lần/năm vào thân cây, cành cấp 1. Đối với vết hại cục bộ phần thân gốc: cạo sạch vết bệnh, dùng thuốc Acrobat MZ 90/600 WP, Vialphos 80 SP, Vimancoz 80WP; Profiler 711.1WG; Sat 4SL; Stifano 5.5SL;... quét vào vết bệnh.

Đối với những cây có biểu hiện triệu trứng nhẹ cần phun Acrobat MZ  90/600 WP, Vialphos 80 SP, Insuran 50WG... lên toàn bộ cây. Dùng theo hướng dẫn in trên bao bì. Hoặc các thuốc khác có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam được đăng ký trừ đối tượng này./.