DetailController

Kinh tế

Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng thực chất, hiệu quả

23/12/2022 00:00
Với phương châm khoa học và công nghệ (KH&CN) phải gắn với thực tiễn, năm 2022, tỉnh đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có trọng tâm, trọng điểm, định hướng rõ ràng. Đồng thời khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp.
Đề án cải tạo, thay thế giống mía tím suy giảm chất lượng bằng giống mía tím nuôi cấy mô sạch bệnh và đã được chuyển giao cho các huyện trong tỉnh.

Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động KH&CN được đổi mới, hoàn thiện theo hướng thực chất, hiệu quả. Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức, giám sát thực hiện; kịp thời chỉ đạo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý chuyên ngành về lĩnh vực KH&CN, đảm bảo đồng bộ hơn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Thực hiện Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện 24 nhiệm vụ khoa học công nghệ ngay từ năm 2022. Các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hướng đến sự đổi mới, có tính ứng dụng cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn và thế mạnh. Từ đó, hình thành nhiều quy trình công nghệ, mô hình sản xuất và chuyển giao đã góp phần nâng cao năng lực, kỹ thuật canh tác tiên tiến cho bà con nông dân. Điển hình như: Đề án cải tạo, thay thế giống mía tím suy giảm chất lượng bằng giống mía tím nuôi cấy mô sạch bệnh và đã được chuyển giao cho các huyện trong tỉnh, đến nay đã dần thay thế được giống mía kém chất lượng, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng mía tím các vùng tham gia nhận chuyển giao; mô hình trồng cây Sa Chi theo chuỗi liên kết tại xã Yên Lạc, xã Lạc Lương và dự án chuyển giao công nghệ trồng nấm linh chi đỏ trên gỗ khúc tại xã Lạc Sỹ, huyện Lạc Thủy; xây dựng mô hình thâm canh bưởi đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Tân Lạc…

Hoạt động thẩm định cơ sở khoa học cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội và thẩm định công nghệ dự án đầu tư được thực hiện theo đúng quy trình. Việc thẩm định giúp lựa chọn được những thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, loại bỏ những thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, đã tham gia ý kiến về công nghệ đối với 59 dự án; tham gia thẩm định về lĩnh vực công nghệ đối với 14 dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với 12 dự án. Tỉnh đã lựa chọn một số dự án sử dụng công nghệ cao như: Dự án Chăn nuôi lợn công nghệ cao Kiên Thành; Dự án Nhà máy gia công kết cấu thép và thiết bị nâng hạ Hoàng Mai.

Công tác phát triển nhân lực và hạ tầng KH&CN được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã tổ chức cho cán bộ, chuyên viên tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về KH&CN và đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan chuyên môn khác của Bộ tổ chức. Các dự án về kho lưu trữ đề tài, dự án, tài liệu; cung cấp các thiết bị kiểm định, đo lường, các thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm soát bức xạ trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành và đi vào sử dụng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, điều kiện làm việc.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm đến hoạt động về hỗ trợ doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Đồng thời triển khai kết nối các chương trình KH&CN của doanh nghiệp trong ngành. Đến nay, tỉnh đã cấp thêm cho 4 doanh nghiệp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, nâng tổng số thành 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp sau thành lập đã phát huy được lợi thế trong ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất sản phẩm, tăng doanh thu và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiêu biểu là Công ty Cổ phần Biopharm Hòa Bình dã sự dụng công nghệ Invitro để sản xuất giống và trồng cây dược liệu, đem lại doanh thu đạt 1.630 triệu đồng. Công ty Cổ phần giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình đã sản xuất đệm lót sinh học từ phế phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi đại gia súc quy mô công nghiệp, đem lại doanh thu đạt 97.091 triệu đồng. Các doanh nghiệp đều trích 1 phần doanh thu để lập quỹ Phát triển khoa học công nghệ.

Nhờ những tiến bộ trong cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho tiềm lực và trình độ KH&CN, lực lượng KH&CN trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Toàn tỉnh hiện có 22 tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN và 11 doanh nghiệp KH&CN. Tổng giá trị tài sản ước tính đạt 900 tỷ đồng. Trong đó, tài sản thuộc tổ chức KH&CN công lập là 530 tỷ đồng, tổ chức KH&CN ngoài công lập là 198 tỷ đồng, doanh nghiệp KH&CN là 172 tỷ đồng. Hàng năm, các doanh nghiệp của tỉnh tích cực tham gia các hội chợ công nghệ và thiết bị Techmart, tham dự trình diễn cung - cầu công nghệ. Qua đó kết nối thúc đẩy nhu cầu công nghệ và nâng cao năng lực chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp./.