DetailController

Kinh tế

Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế

18/01/2023 00:00
Ngày 03/7/2020, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Quyết định số 1503/QĐ-UBND về việc thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Chính phủ. Hàng năm xây dựng các kế hoạch có lồng ghép triển khai các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, đào tạo, tập huấn, phát triển hạ tầng đo lường, đảm bảo đo lường tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh tham mưu Ban chỉ đạo Đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh ban hành Kế hoạch số 03-KH/BCĐ ngày 28/02/2022 thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 11/10/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025” trong đó có các nội dung thực hiện Đề án 996 tại địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và nói chung và lĩnh đo lường nói riêng; ban hành 05 văn bản hướng dẫn, đôn đốc; tổ chức 03 hội nghị tập huấn cho các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Bên cạnh đó còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong 05 đợt kiểm tra thông qua hình thức trao đổi, hướng dẫn trực tiếp đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn là đối tượng chịu sự kiểm tra nhà nước về điện, điện tử, xăng dầu, công tơ điện, biến áp đo lường, biến dòng đo lường, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)… Từ đó đã giúp các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định của nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ.

Nhằm tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2022, đã tổ chức rà soát và phê duyệt phương án đơn giản hoá 107 TTHC, trong đó đã ban hành quyết định bãi bỏ 03/14 TTHC lĩnh vực khoa học và công nghệ không còn phù hợp thực hiện tại địa phương; đơn giản hóa 06 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Khoa học và Công nghệ theo hướng giảm thời gian thực hiện, giảm thành phần hồ sơ nhằm góp phần hướng đến sự hài lòng của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra tỉnh cũng chú trọng tăng cường phát triển hạ tầng đo lường thông qua việc duy trì có hiệu quả Hệ thống chuẩn đo lường, phòng thí nghiệm, hiện đơn vị chức năng tại địa phương đã đủ điều kiện kiểm định 15 phương tiện đo gồm: Cột đo xăng dầu, đồng hồ nước lạnh, cân ô tô, taximet, công tơ điện 1 pha, 3 pha, biến dòng đo lường, biến áp đo lường, phương tiện đo điện não, phương tiện đo điện tim... qua đó phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp trên địa bàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng, đảm bảo đo lường cho sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn.

Ý thức tuân thủ pháp luật về các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đặc biệt là việc đảm bảo đo lường của tổ chức, cá nhân ngày càng được nâng cao do công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước về các vấn đề liên quan ngày càng được siết chặt, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas; kiểm định cân, đồng hồ đo nước lạnh, công tơ điện....Trong năm 2022, đã tổ chức 07 cuộc thanh tra, kiểm tra, cụ thể n: Thanh tra đối với 42 cơ sở kinh doanh Vàng trang sức mỹ nghệ; 15 cơ sở kinh doanh xăng, dầu. Kiểm tra 02 cuộc đối với 52 cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm tra về lĩnh vực tiêu chuẩn chất lượng đối với mặt hàng điện, điện tử của 18 cơ sở kinh doanh tại các huyện Cao Phong, Đà Bắc, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình... Nhìn chung công tác kiểm tra đã đạt được mục tiêu đề ra là tăng cường công tác quản lý nhà nước và tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng đối với các cơ sở kinh doanh sản phẩm điện, điện tử. Các cơ sở đã thực hiện tương đối tốt các quy định của nhà nước. Các sản phẩm điện, điện tử đã thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa và gắn dấu hợp quy (CR) theo quy định. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, ngăn ngừa các hành vi kinh doanh gian lận, bảo đảm sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng ...

Năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi quản lý, thực hiện hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, thủ tục và hỗ trợ tài chính nhằm nâng cao năng suất, chất lượng như hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2022. Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ quản lý tiên tiến, mã số, mã vạch, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn cơ sở, tem truy xuất nguồn gốc, hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị đo lường, sử dụng dấu định lượng... cho sản phẩm, hàng hóa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời thu hút tốt hơn sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển khoa học công nghệ phục vụ nâng cao năng suất, đảm bảo đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Cụ thể: Hướng dẫn, hỗ trợ 02 doanh nghiệp lập hồ sơ tiến hành công bố hợp chuẩn cho các sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ xây dựng và cấp mã số vùng trồng cho 12 sản phẩm nông sản; hỗ trợ chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP cho gần 2,3 ngàn ha diện tích vùng trồng sản phẩm nông sản thực phẩm của địa phương. Hướng dẫn, hỗ trợ xuất khẩu 1017 tấn sản phẩm trồng trọt và 975 tấn sản phẩm đã qua chế biến với giá trị 518,65 tỷ đồng sang các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Anh (chuối, mía, nhãn, bưởi…), 35 triệu lon sản phẩm chế biến từ các loại hạt sang thị trường các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc và EU xuất khẩu lâm sản với giá trị 790 tỷ đồng sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Canada, bước đầu tạo nền tảng cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản phẩm, hàng hoá về năng suất, chất lượng… để hội nhập sâu hơn nữa vào thị trường quốc tế. Hỗ trợ 36 doanh nghiệp tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, 78 doanh nghiệp với hơn 700 sản phẩm tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc, xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn được dán trên 8.000.000 tem TXNG do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý.

Đến năm 2022 đã hỗ trợ thành lập 21 tổ chức khoa học công nghệ, trong đó có 08/21 tổ chức khoa học công nghệ công lập và 13/21 tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập; 11 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Qua đó giúp doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ (như thuế, quỹ đất, vay vốn…) để từ đó doanh nghiệp có điều kiện quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Những năm tiếp theo, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo đối với hoạt động khoa học công nghệ nói chung và hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng. Xác định phát triển khoa học và công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành; đổi mới tư duy và hành động, chủ động, tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ vào hoạt động sản xuất để hướng dẫn doanh nghiệp đảm bảo đo lường, nhằm mục đích tiết kiệm nguyên vật liệu, nhiên liệu, nhân công, giảm thất thoát, giảm giá thành sản phẩm, hàng hóa. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách tăng cường sự tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp trong việc thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới hoạt động đo lường; cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cao tiềm lực của các doanh nghiệp về ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới hoạt động đo lường./.