DetailController

Kinh tế

Phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

16/12/2022 00:00
Ngày 15/12/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 13-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu đến năm 2030, Hòa Bình đạt trình độ phát triển mức thu nhập trung bình của cả nước, thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển kinh tế gắn với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 tăng 9%. Đến năm 2030, quy mô kinh tế đạt khoảng 168 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 185 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 16.000 -18.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 4.05 triệu USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 43,18%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 60%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-2,5%/năm theo tiêu chí mới; tỷ lệ qua đào tạo đạt 70%; có 34,5 giường bệnh/vạn dân và 12,8 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số.

Tầm nhìn đến năm 2045, Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển, có thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao. Kinh tế phát triển dựa trên các động lực phát triển kinh tế số, hệ thống đô thị xanh, đô thị thông minh và hiện đại.

Theo đó, Chương trình hành động gồm 5 Chương trình nhỏ. Cụ thể như sau: Chương trình 1 là chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của vùng và cơ chế, chính sách đặc thù dành cho tỉnh Hòa Bình; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của tỉnh; Chương trình 2 là phát triển kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; Chương trình 3 là phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; Chương trình 4 là bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; Chương trình 5 là xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, dự kiến kết quả đầu ra đối với từng nhiệm vụ và phân công rõ đơn vị chủ trì thực hiện. Đề xuất với Chính phủ các nội dung cụ thể liên quan đến cơ chế, chính sách vùng và cơ chế chính sách đặc thù đối với tỉnh.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, hướng dẫn việc nghiên cứu, phổ biến, quán triệt. Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc quán triệt và xây dựng Kế hoạch thực hiện. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xây dựng chương trình và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động này./.