DetailController

Giới thiệu các khu công nghiệp

Ngành công nghiệp vững bước trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá

14/12/2009 00:00

Từ năm 2002, công tác khuyến công đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện với nguồn quỹ hỗ trợ trên 700 triệu đồng/năm, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng/năm. Mặc dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế, nhưng đã góp phần giúp các cơ sở phát triển sản xuất, truyền nghề và tạo việc làm cho người lao động.

Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Hoà Bình không thể chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Hoà Bình xác định: "Muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ". Quyết tâm ấy của các cấp, các ngành địa phương đang được minh chứng bằng sự ra đời và thực tế sản xuất - kinh doanh có hiệu quả của các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Nếu năm 1991 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh chỉ đạt 15,9 tỷ đồng, thì đến năm 2005 đã lên tới 872,5 tỷ đồng (chưa tính giá trị sản xuất của Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình). Bình quân giai đoạn 2001 - 2005, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,7%/năm, trong đó năm 2005 tăng 2,3 lần so với năm 2000. Nhờ chủ động và nhạy bén trong việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở, Hoà Bình đã thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có nhiều đơn vị sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Nhờ đó, nguồn ngân sách thu từ công nghiệp ngày càng tăng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, chỉ đạo phát triển sản xuất - kinh doanh

Từ năm 2002, công tác khuyến công đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện với nguồn quỹ hỗ trợ trên 700 triệu đồng/năm, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng/năm. Mặc dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế, nhưng đã góp phần giúp các cơ sở phát triển sản xuất, truyền nghề và tạo việc làm cho người lao động.

Sản xuất nguyên liệu bột giấy (Nhà máy bột giấy Vạn Mai)

Với phương châm: công tác quy hoạch phải đi trước một bước, Sở Công nghiệp Hoà Bình đã phối hợp với các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, đề án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Nhờ đó, năm 2001, ngành đã hoàn thành Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2001 - 2010; hoàn thành Quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện cho 100% huyện, thị xã (năm 2003); hoàn thành Quy hoạch Khu các cơ sở sản xuất công nghiệp Lương Sơn và Khu các cơ sở sản xuất công nghiệp bờ trái sông Đà - thị xã Hoà Bình (năm 2005),... Đồng thời, ngành cũng phối hợp với uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai quy hoạch các cụm công nghiệp tại các địa phương (ít nhất mỗi huyện có 01 cụm công nghiệp với quy mô 20 - 25 ha), rà soát, bổ sung quy hoạch lưới điện tỉnh giai đoạn 2005 - 2010, có định hướng đến năm 2020. Ngoài ra, đề án "Đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2001 - 2010" cũng đang được khẩn trương xây dựng.

Ngành thường xuyên phối hợp với ngành hữu quan triển khai quy hoạch phát triển lưới điện tỉnh (giai đoạn 2006 - 2010 có xét đến năm 2015) từ các nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, vốn 135, 472,... Năm 2004, Hòa Bình có 100% xã, phường có điện đến trung tâm, 86,2% số hộ được sử dụng điện. Ngành đã phối hợp với Cục kiểm tra giám sát kỹ thuật an toàn điện, Điện lực Hoà Bình và uỷ ban nhân dân các huyện mở lớp kỹ thuật viên, thợ điện nông thôn để bổ sung đội ngũ cán bộ, nhân viên cho các chi nhánh điện và hợp tác xã dịch vụ điện năng ở các địa phương. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát việc cung ứng và sử dụng điện, ngành đã đưa ra những giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Việc chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà máy tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực hoạt động và thu hút đầu tư xây dựng một số cơ sở sản xuất công nghiệp đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Đến tháng 4-2005, Hoà Bình có gần 5.600 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 6 cơ sở Trung ương quản lý, 12 doanh nghiệp nhà nước địa phương, 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 219 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, còn lại là các hộ kinh doanh cá thể. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 21,9% GDP của tỉnh (năm 2004). Riêng trong lĩnh vực xi măng, Hoà Bình hiện có 4 nhà máy đang hoạt động, đó là Nhà máy X18, Nhà máy xi măng sông Đà, Nhà máy xi măng Lương Sơn, Nhà máy xi măng Xuân Mai - Hoà Bình với công suất bình quân 8,8 vạn tấn/năm.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng cao do một số sản phẩm tiêu thụ mạnh, nguyên liệu đầu vào đáp ứng yêu cầu sản xuất như: xi măng, giấy, bột giấy,... Đặc biệt, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do có sản phẩm mới, nên đạt mức tăng trưởng đột biến. So với năm 2003, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2004 tăng 21,3%, trong đó doanh nghiệp Trung ương tăng 3,5%, công nghiệp địa phương tăng 29,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 57,9%.

Xác định hướng đầu tư mũi nhọn để phát triển đúng hướng

Đến năm 2010, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 32,8% GDP của tỉnh, số hộ được sử dụng điện chiếm 95% trở lên. Riêng giá trị sản xuất công nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân 23,7%/năm.

Sản xuất đũa xuất khẩu tại huyện Mai Châu

Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, Hoà Bình sẽ hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng 02 khu các cơ sở sản xuất công nghiệp và các cụm công nghiệp mới trên địa bàn 11 huyện, thị xã để bố trí các dự án đã đăng ký đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, ngành công nghiệp sẽ cùng với các ngành, các cấp tích cực xúc tiến thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế sau:

1) Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, đá xây dựng, gạch nung. Đến năm 2007, tỉnh sẽ có thêm 02 nhà máy sản xuất xi măng với công nghệ lò quay đi vào hoạt động là Nhà máy xi măng Trung Sơn (công suất 1,2 triệu tấn/năm) và Nhà máy xi măng Kim Sơn (công suất 37 vạn tấn /năm).

2) Công nghiệp chế biến nông - lâm sản không ngừng được đẩy mạnh. Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì ổn định công suất nhà máy đường 700 tấn mía/ngày (tương đương 11,5 nghìn tấn đường/năm); tập trung đầu tư vào các lĩnh vực chế biến hoa quả xuất khẩu (Lạc Thuỷ, Lạc Sơn), sản xuất giấy và bột giấy, chế biến gỗ, ván công nghiệp (Mai Châu, Đà Bắc, thị xã Hoà Bình, Kỳ Sơn), chế biến chè đặc sản (Mai Châu, Đà Bắc).

3) Đầu tư cho công nghiệp khai khoáng, trong đó ưu tiên khai thác kết hợp với chế biến sâu, tại chỗ quặng sắt, đồng. Tích cực khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ như dệt thổ cẩm, mây tre giang đan,...

4) Tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trước hết trong nông nghiệp và nông thôn: đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, các lợi thế so sánh của tỉnh,... Phối hợp với các ngành chức năng và uỷ ban nhân dân các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát huy tính chủ động, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tiến tới chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Để gặt hái nhiều thành quả hơn nữa trong tương lai, ngành công nghiệp Hoà Bình cần có nguồn kinh phí tương xứng để thực hiện tốt công tác quản lý các khu, cụm, điểm công nghiệp, lập quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, quy hoạch phát triển lưới điện, rà soát quy hoạch phát triển ngành, chuẩn bị vốn đối ứng cho Dự án năng lượng nông thôn giai đoạn II, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật,... Đó là những bước chuẩn bị thiết yếu để Hoà Bình nâng cao năng lực nội tại của ngành công nghiệp, tự tin bước vào quá trình hội nhập, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong giai đoạn 2002 - 2004, tỉnh đã thu hút 64 dự án đầu tư, trong đó có 36 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Năm 2004, 11 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động.

Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005

Đơn vị: tỷ đồng đồng

Thành phần kinh tế

2001

2002

2003

2004

2005

Doanh nghiệp Trung ương

170,9

203,8

218,5

250

263,7

Doanh nghiệp nhà nước địa phương

102,6

128,4

156,8

178

164,5

Khối ngoài quốc doanh

108,2

121,9

140,5

213

355

Khu vực đầu tư nước ngoài

28,2

20,9

34,9

77

89,2

Tổng cộng

409,9

475

550,7

718

872,5

Nguồn: Sở Công nghiệp Hoà Bình.

Dự báo giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006 - 2010

Đơn vị: tỷ đồng

Thành phần kinh tế

2006

2007

2008

2009

2010

Doanh nghiệp Trung ương

272,6

291,6

316,2

340

378,1

Doanh nghiệp nhà nước địa phương

165

165,6

174,1

175,7

192,1

Khối ngoài quốc doanh

513

708,5

977,4

1.315,6

1.795,4

Khu vực đầu tư nước ngoài

96,4

106,3

122,4

140,4

158,3

Tổng cộng

1.047

1.272,1

1.590,1

1.971,8

2.523,9

 

Hòa Bình - Thế và lực mới trong thế kỷ XXI