DetailController

Giới thiệu các khu công nghiệp

Kết quả thu hút đầu tư và tình hình triển khai các dự án đầu tư của tỉnh ta giai đoạn 2006-2010

09/12/2011 00:00
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 20/9/2006 của Tỉnh uỷ về thu hút đầu tư giai đoạn 2006-2010, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định, bình quân 12%/năm; thu ngân sách Nhà nước đạt khá (năm 2010 đạt 1.322 tỷ đồng); từ chỗ chúng ta mới chỉ đạt ở mức “không còn là điểm trắng” về phát triển công nghiệp vào năm 2006, đến nay đã có 8 khu công nghiệp, 352 dự án đầu tư, gấp 3,2 lần tổng số dự án đầu tư vào tỉnh các năm trước đó; công tác thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kết quả thu hút đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt đô thị trong tỉnh, tạo thêm công ăn việc làm, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Về kết quả thu hút dự án đầu tư: Tính từ cuối năm 2006 (sau khi có Nghị quyết 03-NQ/TU) đến cuối năm 2010 có 267 dự án đầu tư đã được chấp thuận, trong đó có 251 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký là 26.280 tỷ đồng và 16 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 113 triệu đồng. Số dự án đạt cao hơn 40,5%, số vốn đăng ký đầu tư đạt gấp 2,6 lần so với mục tiêu Nghị quyết đề ra; vốn đầu tư ngoại tệ bằng 75,3% so với mục tiêu nghị quyết.

Tính đến ngày 30/8/2011, trên địa bàn tỉnh có 351 dự án đầu tư, trong đó 21 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (huyện Lương Sơn có 12 dự án, thành phố Hoà Bình 06 dự án, huyện Tân Lạc 01 dự án, huyện Kỳ Sơn 01 dự án, huyện Lạc Sơn 01 dự án) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 132 triệu USD và 330 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 29.172 tỷ đồng.

Địa phương có số dự án đăng ký đầu tư nhiều nhất là huyện Lương Sơn với 138 dự án chiếm 39,6%, kế tiếp là thành phố Hoà Bình với 57 dự án chiếm 16,2%, huyện Kỳ Sơn 34 dự án chiếm 9,7%, huyện Đà Bắc và huyện Tân Lạc mỗi huyện 15 dự án chiếm 4,3%, huyện Lạc Sơn, huyện Mai Châu và huyện Cao Phong mỗi huyện 13 dự án chiếm 3,7%, ít nhất là huyện Yên Thuỷ có 12 dự án chiếm 3,4% tổng số dự án trên địa bàn toàn tỉnh.

Số dự án đầu tư vào tỉnh được phân theo lĩnh vực ngành kinh tế: Lĩnh vực công nghiệp 147 dự án (chiếm 42%); công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản 69 dự án (chiếm 19,7%); du lịch-dịch vụ 60 dự án (chiếm 17,1%); trồng rừng và trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái 27 dự án (chiếm 7,7%); nông nghiệp 19 dự án (chiếm 5,4%); đào tạo, thể thao, giải trí, y tế 10 dự án (chiếm 2,8%); hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, chợ, nghĩa trang 19 dự án (chiếm 4,4%). Bên cạnh việc thu hút đầu tư, công tác kiểm tra, quyết định chấm dứt, thu hồi giấy phép cũng được thực hiện thường xuyên liên tục. Tính đến 30/8/2011 có 51 dự án đã chấm dứt hoạt động và bị thu hồi giấy phép đầu tư.

Về tình hình triển khai thực hiện đầu tư của các dự án. Trong đó Dự án đã đưa vào sản xuất kinh doanh: Tính đến 30/8/2011 có 120 dự án đã đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 34,2% tổng số dự án. Trong đó có 15 dự án FDI chiến 71,4% số dự án, vốn đầu tư là 75 triệu USD bằng 57% tổng vốn đăng ký của các dự án FDI, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động; 105 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư 3.067 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 5000 lao động.

Dự án đang đầu tư xây dựng: có 113 dự án, chiếm 32,2% tổng số dự án, trong đó có 04 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 43,5 triệu USD và 109 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 12.090 tỷ đồng.

Dự án đang thực hiện các thủ tục: các dự án đang thực hiện thủ tục về đất đai-xây dựng hoặc thoả thuận đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục khác có 85 dự án, chiếm 24,2% tổng số dự án, với tổng vốn đăng ký là 13,5 triệu USD và 12.832 tỷ đồng.

Các dự án khó khăn trong việc triển khai thực hiện: Có 33 dự án chiếm 9,4% tổng số dự án, vốn đăng ký là 500 ngàn USD và 1.182 tỷ đồng, khó khăn trong việc triển khai thực hiện tiếp.

 Kết quả thực hiện thu hút đầu tư so với mục tiêu của Nghị quyết:

Những chỉ tiêu đã đạt được: Hoàn thành mục tiêu thành lập Khu công nghiệp Lương Sơn, Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà và số lượng trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Số lượng quy hoạch và tổng diện tích quy hoạch các khu công nghiệp (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung 8 Khu công nghiệp vào Quy hoạch phát triển Khu công nghiệp Việt Nam), vượt 4 khu; diện tích quy hoạch khu công nghiệp vượt 616 ha và có 48 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp. Số lượng dự án đầu tư trong nước vượt 39,4%; số dự án FDI vượt 60%; tổng vốn của dự án đầu tư trong nước tăng 3,3 lần; dự án đầu tư trong nước đưa vào sản xuất hàng năm vượt 16%; 10 dự án FDI đưa vào sản xuất đạt chỉ tiêu nghị quyết; hàng năm vốn đầu tư thực hiện đạt 800 tỷ đồng vượt chỉ tiêu Nghị quyết 03-NQ/TU đề ra 60%.

Chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu Nghị quyết: chưa đầu tư được hạ tầng hoàn chỉnh các cụm công nghiệp như Nghị quyết đã đề ra. Hoàn thành 50% mục tiêu thành lập trường Đại học (Hoàn thành thủ tục trường Đại học Hoà Bình, nhưng nay chuyển về thành phố Hà Nội do điều chỉnh đại giới hành chính của Quốc hội). Tổng vốn đầu tư của các dự án nước ngoài chỉ đạt 75,3% so với nghị quyết.

 Về kết quả vận động thu hút các dự án ODA và NGO: Trong giai đoạn 2006 đến hết tháng 9 năm 2010, trên địa bàn tỉnh có 33 dự án ODA tổng vốn đầu tư là 115 triệu USD, trong đó vốn vay nước ngoài là 96 triệu USD, vốn viện trợ 19 triệu USD, kết quả giải ngân là 52 triệu USD; có 25 tổ chức phi chính phủ hoạt động viện trợ 65 dự án, với tổng giá trị gần 6,8 triệu USD và đã giải ngân đạt hơn 6,4 triệu USD. Các dự án ODA, NGO được thực hiện ở tất cả các huyện, thành phố, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp nông thôn, xoá đói giảm nghèo, cải thiện hệ thống y tế nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Các công trình xây dựng thuộc dự án ODA đảm bảo chất lượng; đã phát huy hiệu quả tốt, đem lại lợi ích thiết thực, góp phần đáng kể vào công tác xoá đói, giảm nghèo của tỉnh.