DetailController

Kinh tế

Lạc Thủy: Tập trung thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022 – 2023

31/01/2023 00:00
Theo kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn huyện Lạc Thủy phấn đấu gieo trồng 4.475 ha cây trồng hàng năm, trong đó: Cây lúa 1.450 ha, cây ngô 848 ha, cây lạc 351 ha, cây rau các loại 489 ha, cây hoa mầu khác 1.337 ha; năng xuất kế hoạch giao với cây lúa 64,34 tạ/ha, với cây ngô 62,5 tạ/ha.
Một số xã của huyện Lạc Thủy đã tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để cấy lúa vụ Xuân năm 2023

Đến thời điểm hiện tại lượng mạ đã gieo đảm bảo cấy cho 80% diện tích theo kế hoạch, tuổi mạ đại trà từ 2-4,5 lá thật; làm đất lúa 750 ha, làm đất màu 620 ha; trà muộn đang chuẩn bị giống. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới thời tiết diễn biến phức tạp, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng gây hại từ cuối tháng 01/2023 đến tháng 02/2023. Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất thuận, đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023, Ủy ban nhân dân huyện Lạc Thủy yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Chi nhánh Công ty TNHH MTV KTCTTL huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện, các đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông – Xuân 2022 – 2023.

Đối với cây trồng vụ Đông 2022: Tập trung chỉ đạo chăm sóc quản lý tốt dịch hại trên các loại rau màu; tiến hành thu hoạch nhanh gọn, kịp thời các loại cây trồng đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất, chất lượng và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Đối với sản xuất lúa và cây màu vụ Xuân 2023: Rà soát diện tích gieo trồng theo kế hoạch, tuyên truyền vận động nhân dân gieo trồng hết diện tích, đảm bảo đạt và vượt kế hoạch. Tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo trồng vụ Xuân 2023, cần tạo sự đồng đều trong sản xuất, tuân thủ quy trình chăm sóc cây trồng từ làm đất - gieo trồng - chăm sóc, đẩy mạnh công tác phòng trừ sâu bệnh hại, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển giao tiến bộ giống và vật tư nông nghiệp chất lượng cao vào sản xuất, nhằm đạt và vượt mức năng xuất kế hoạch.

Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, tiếp tục rà soát những diện tích đất lúa không chủ động nước, đất cấy lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây màu có giá trị kinh tế cao như: Cây rau họ bầu bí, cây ngô sinh khối, ngô ngọt, ngô nếp....Đẩy nhanh tiến độ làm đất trên diện tích không gieo trồng cây vụ Đông và diện tích đã thu hoạch, phơi đất nhằm cải tạo chế độ khí và tiêu diệt nguồn sâu bệnh hại trong đất để tăng hiệu quả sản xuất lúa vụ Xuân.

Đối với diện tích lúa mới cấy: Giữ mực nước trên mặt ruộng 2-3cm “làm áo” chống rét cho lúa, không được để cho ruộng lúa khô hạn. Khi thời tiết ấm dần cần tranh thủ làm cỏ sục bùn và bón sớm bằng các loại phân hỗn hợp để lúa bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh thuận lợi. Với những diện tích lúa bị chết nhiều thì cần dồn lại và cấy bổ sung bằng mạ của những giống có cùng thời gian sinh trưởng để tiện cho việc chăm sóc và bảo vệ. Bón thêm phân chuồng hoai mục và tro bếp để chống rét cho lúa.

Đối với diện tích mạ đã gieo: Chủ động che phủ nilon để phòng tránh rét và hạn chế nguồn rầy di trú gây hại cho mạ; tưới đủ nước và bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp để giữ ấm cho mạ; không bón bổ sung phân đạm trong những ngày rét đậm, rét hại. Khi thời tiết ấm, mở nilon ở 2 đầu luống, không mở hoàn toàn ngay để tránh mạ bị sốc nhiệt. Đối với những diện tích mạ sinh trưởng yếu, thiếu dinh dưỡng có thể cung cấp bổ sung các loại phân bón qua lá, phân vi lượng... để tăng khả năng chống chịu và khả năng phục hồi cho mạ. Với diện tích mạ đã đủ tuổi, cần tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để cấy lúa, không cấy trong những ngày nhiệt độ trung bình dưới 15 độ C. Cần chủ động và sẵn sàng các phương án phòng chống rét kịp thời; chuẩn bị đủ mạ và nguồn lúa giống dự phòng đảm bảo chất lượng để gieo cấy lại kịp thời vụ.

Đối với diện tích mạ chưa gieo: Tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, gieo cấy theo khung thời vụ, tránh gieo mạ vào thời gian thời tiết rét đậm, rét hại; tập trung gieo mạ trà xuân muộn xung quanh tiết Lập Xuân (04/02/2023) khi thời tiết thuận lợi; phấn đấu kết thúc gieo cấy trong tháng 02/2023 để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, trỗ bông vào thời điểm thuận lợi nhất.

Với các loại cây trồng màu vụ Xuân (như lạc, ngô, dưa chuột, bầu bí,...): Chuẩn bị lượng giống, quỹ đất cho việc gieo trồng khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Tập trung gieo trồng trong khung thời vụ, phấn đấu xong trước 15/3/2023. Với diện tích cây màu trồng trên đất lúa một vụ cần đảm bảo thu hoạch sớm để giải phóng đất phục vụ gieo cấy lúa vụ Mùa.

Đối với cây ăn quả, cần tiến hành vệ sinh vườn, chăm sóc, bón đầy đủ, cân đối theo quy trình kỹ thuật khuyến cáo, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ; Đối với diện tích cây ăn quả trong kế hoạch trồng mới cần bố trí bộ giống phù hợp, rải vụ để đảm bảo thị trường đầu ra ổn định; Đối với diện tích kinh doanh: Thời tiết hiện nay thuận lợi cho công tác chăm sóc, vệ sinh vườn, bón phân phục hồi cây sau thu hoạch; chú ý cần bổ sung thêm các loại phân trung, vi lượng để tăng khả năng đậu hoa, đậu quả.

Tổ chức thực hiện khơi thông dòng chảy, phát dọn cỏ rác trên các tuyến mương để hạn chế thất thoát nước, thuận lợi cho việc dẫn nước phục vụ sản xuất.  Quản lý, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, điều tiết nước tưới hợp lý, tiết kiệm phục vụ sản xuất; chủ động xây dựng phương án chống hạn.

Đối với cây lầm nghiệp, cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, chuyển dịch mùa vụ trồng rừng từ vụ Hè Thu sang vụ Xuân Hè, chuẩn bị cây giống phục vụ công tác trồng rừng 2023. Tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng rừng, sử dụng cây giống đảm bảo tiêu chuẩn trong trồng rừng, khuyến khích sử dụng các giống cao sản có khả năng sinh gỗ cao; thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão.

Thực hiện thông tin, tuyên truyền trong việc hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cây trồng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lợi dụng để tăng giá bất hợp lý làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo sản xuất theo khung thời vụ và chỉ tiêu kế hoạch được giao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, ngăn chặn và xử lý kịp thời sâu bệnh, không để phát sinh thành dịch tại địa phương. Chỉ đạo các tổ chức dung nước ở cơ sở điều tiết nước phục vụ sản xuất và chủ động phòng chống hạn cho cây trồng./.