Thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc; đồng thời, ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện đến cơ sở và khu dân cư, công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư được đẩy mạnh tạo sự đồng thuận trong xã hội. Gắn việc thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và công tác dân vận. Các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tự quản ở khu dân cư. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh.
Đến nay, 11/11 huyện ủy, thành ủy đã lựa chọn được tổ tự quản để xây dựng và triển khai nhân rộng. Toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động và nhân rộng được 4.255 tổ tự quản trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó: 1.598 tổ liên gia tự quản: 340 khu dân cư; 69 xã, phường, thị trấn; 04 huyện, thành phố đã xây dựng được tổ liên gia tự quản. Tăng 50 khu dân cư; 33 xã, phường, thị trấn; 02 huyện, thành phố so với năm 2016; 343 dòng họ tự quản, ổ nhà tự quản; 306 cụm liên kết, cụm an ninh giáp ranh, an ninh quốc phòng; 19 mô hình “Làng, bản văn hóa - quốc phòng”, 02 mô hình “Làng, bản văn hóa quốc phòng và an ninh” ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ của tỉnh. Hầu hết các tổ tự quản ở khu dân cư đều được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hoặc chính quyền cơ sở quyết định công nhận về tổ chức; đã xây dựng quy chế, chương trình hoạt động, bầu Ban quản lý tổ để điều hành; định kỳ đánh giá kết quả hoạt động. Các tổ tự quản có vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước khu dân cư; góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi giúp Nhân dân xây dựng có hiệu quả 431 tổ tự quản trên lĩnh vực kinh tế, tiêu biểu như các mô hình: “Giúp nhau kỹ thuật, cây giống và tiêu thụ sản phẩm” của Huyện Tân Lạc; tổ “Liên gia tự quản để làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế”, “Vay vốn không lãi”, “Kinh tế hộ gia đình” của Thành phố Hòa Bình,... Các tổ tự quản đã khơi dậy được tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của Nhân dân, phát huy nội lực, thế mạnh của hộ gia đình, hỗ trợ nhau về khoa học, kỹ thuật, cây, con giống, đầu ra sản phẩm,… giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội do Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đề ra.
Xây dựng được 2.756 tổ tự quản trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội; các thành viên trong tổ đã làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư, tích cực tham gia tuần tra, kiểm soát giữ gìn khu dân cư bình yên. Qua đó, nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch; những vụ việc, tai tệ nạn xã hội trên địa bàn khu dân cư giảm rõ rệt, các vụ việc phần lớn đều được hòa giải tại tổ, những biểu hiện vi phạm của một số hộ dân trong các tổ đều được nhắc nhở và kịp thời xem xét, xử lý, không để xảy ra điểm nóng. Thông qua tổ tự quản, quần chúng Nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp lực lượng Công an đẩy nhanh quá trình giải quyết các vụ án. Tiêu biểu như: Tổ liên gia tự quản, Dòng họ tự quản ở các huyện: Mai Châu, Yên Thủy, Lạc Sơn; các mô hình: “Tiếng kẻng an ninh vây bắt tội phạm” của Huyện Lương Sơn; “Khu dân cư tự quản về an ninh, trật tự” của Huyện Kim Bôi; “Cụm an ninh giáp gianh” của Công an tỉnh; “Làng, bản văn hóa - quốc phòng” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Mô hình “Tổ liên gia tự quản về an ninh trật tự” đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an đánh giá là mô hình hay, phù hợp với địa phương, cần phải được nhân rộng.
Đã xây dựng được 1.068 mô hình tổ tự quản về văn hóa, xã hội hoạt động có hiệu quả. Các mô hình tự quản về lĩnh vực môi trường đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng; phát huy được tính chủ động của người dân trong việc tổ chức tập kết rác thải, đào hố chôn hoặc thiêu hủy; triển khai phân loại rác tại hộ gia đình trước khi đưa ra bãi tập trung nhằm giảm chi phí vận chuyển; duy trì việc ra quân dọn vệ sinh định kỳ vào ngày chủ nhật,… Qua đó hạn chế ô nhiễm môi trường, xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp. Tiêu biểu như: Tổ liên gia tự quản bảo vệ môi trường của Thành phố Hòa Bình; Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường của các huyện: Kỳ Sơn, Lạc Thủy; Đoạn đường: Thanh niên tự quản, Phụ nữ tự quản, Cựu chiến binh tự quản,...Trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình đã tích cực tuyên tuyền cho các hộ gia đình thực hiện mô hình ít con để đảm bảo sức khỏe, có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiêu biểu như: “Tự quản về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3” của Huyện Đà Bắc.
Có thể nói, các tổ tự quản đã tích cực tham gia tuyên truyền, giáo dục và vận động, thuyết phục Nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy chế, hương ước, quy ước của địa phương, khu dân cư, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân. Giúp các cấp ủy đảng, chính quyền nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các đề xuất, kiến nghị chính đáng của Nhân dân, phù hợp với thực tiễn; giúp các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động Nhân dân hiệu quả hơn; góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại địa phương.