Giai đoạn 2011 – 2015, thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phòng Dân tộc huyện Yên Thủy phối hợp cùng ban, ngành các cấp tổ chức triển khai nhiều giải pháp giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng khó khăn của huyện. Trong đó, nổi bật là công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở. Giúp xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong huyện.
Hiện nay, tổng dân số toàn huyện Yên Thủy có trên 6,7 vạn người. Gồm 17 thành phần dân tộc (Kinh, Tày, Thái, Mường, Khơ me, Hoa, Nùng, H’Mông, Dao, Êđê, Sán chay, Sán dìu, Thổ, Dáy, Hà nhì, Tà thẻn, Bố y) cùng sinh sống. Trong đó dân tộc Mường chiếm 68,07 %; dân tộc kinh 31,49%; còn lại 0,44 % là dân tộc khác. Đầu kỳ năm 2011, toàn huyện có 25,93% hộ nghèo. Trong đó, hộ nghèo là người DTTS là 2.795, chiếm 24,6%.
Xác định yếu tố cốt lõi trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân là phát triển sản xuất dựa trên tư liệu sẵn có về đất đai, kinh nghiệm địa phương. Năm 2012, huyện thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho xã đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 700 triệu đồng cho tổng số 906 hộ hưởng lợi. Theo đó, người dân được tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, công tác bảo vệ thực vật thu hút 1.380 người tham gia. Riêng năm 2015 đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho 6 xã và 4 xóm vùng ĐBKK với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng gồm: hỗ trợ Bò, dê, gà thả vườn, bưởi diễn, hỗ trợ tham quan học hỏi mô hình cho 100 người. Qua đó, đã từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng được các mô hình sản xuất nông – lâm nghiệp, hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất cho nông dân góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho hộ đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Các lớp tập huấn bổ sung kiến thức giúp người dân hiểu thêm về chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, nguyên tắc tổ chức triển khai thực hiện chương trình góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước thoát nghèo một cách bền vững.
Công tác duy tu bảo dưỡng hàng năm được quan tâm đầu tư nhằm phát huy hiệu quả các công trình, khắc phục tình trạng xuống cấp của hệ thống cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2011-2015 toàn huyện có 53 công trình đã được đầu tư duy tu bảo dưỡng với nguồn vốn là 1,067 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chương trình cũng thực hiện hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng. Qua đó, mang lại nhiều những kiến thức cho cán bộ làm công tác dân tộc cũng như bà con nhân dân điển hình, tiên tiến trong lao động sản xuất. Các hình thức hỗ trợ như: tập huấn công tác bảo vệ thực vật , tham quan học hỏi mô hình... Thực hiện chính sách chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện đã tổ chức được trên 444 lớp chuyển giao kỹ thuật, huy động trên 15.258 lượt học viên tham gia với tổng số kinh phí 1,539 tỷ đồng. Nhiều dự án mô hình đã phát huy hiệu quả giúp các địa phương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho năng suất và có giá trị kinh tế cao.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, về kinh tế - xã hội, Yên Thủy đã có chuyển biến tích cực trong sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, giảm dần khoảng cách giữa các dân tộc và giữa các vùng trên địa bàn huyện. So với đầu kỳ năm 2011, năm 2015 cơ bản không có hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,38%. Đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện đã có đường giao thông cho xe cơ giới đến trung tâm cụm xã. Hệ thống giáo dục dần được hoàn thiện, duy tu sửa chữa được các công trình xuống cấp, góp phần nâng cao tuổi thọ công trình. Áp dụng được nhiều hình thức hỗ trợ cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.
Tuy nhiêm qua thực hiện Chương trình vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Tỷ lệ nghèo có giảm nhưng thực tế vẫn có hộ tái nghèo. Nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Việc phát triển và nhân rộng các loại giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả cao kinh tế cao nhưng chưa được duy trì, phát triển và nhân rộng. Một số hạng mục duy tu bảo dưỡng chưa mang lại hiệu quả cao. Do đó, trong thời gian tới cần tích cực huy động, phối hợp, lồng ghép nguồn vốn Chương trình 135 với các nguồn vốn khác nhằm thực hiện bền vững công tác xóa đói giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý sau đầu tư nhằm đảm bảo khai thác bền vững các công trình. Việc triển khai thực hiện chương trình 135 cần được thực hiện công khai, dân chủ, đúng mục đích; các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các hình thức hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện đúng đối tượng, tiến độ, đảm bảo về số lượng, chất lượng và tiến hành giải ngân theo quy định.