DetailController

Chỉ đạo điều hành

Tập trung xây dựng thành phố Hòa Bình đạt các tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình

Thành phố Hòa Bình là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh, được thành lập theo Nghị định số 126/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ. Tới nay, thành phố Hòa Bình đã và đang huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình, sau khi nhập, thành phố Hòa Bình có những thay đổi, sáp nhập về địa giới hành chính. Hiện nay, thành phố Hoà Bình có tổng diện tích tự nhiên 348,65 km2, với dân số khoảng 140.000 người, gồm 19 đơn vị hành chính (12 phường, 07 xã). Trong những năm qua, nhiều thành phần kinh tế đã chuyển dịch cơ cấu đầu tư, phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường và đều đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra là gia tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp - thủy sản.

Đến hết năm 2022, cơ cấu kinh tế như sau: Dịch vụ 48,5%; Công nghiệp và Xây dựng 45%; Nông, Lâm, Thủy sản 6,5%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn 21.595 tỷ đồng; Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 855,2 tỷ đồng; Thu ngân sách địa phương 1.197,3 tỷ đồng; Tỷ lệ hộ nghèo 1,52%; Thu nhập bình quân đầu người 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa thành phố Hòa Bình đến hết năm 2022 là 78,3%, tốc độ đô thị hóa trong giai đoạn 2016-2021 là 6,5%. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới với các tuyến đường đô thị có đầy đủ các hạng mục gồm vỉa hè, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng và cây xanh, cầu Hòa Bình 2 và 3, các tuyến đường Tỉnh lộ; hệ thống công trình công cộng đang được đầu tư xây dựng gồm Quảng trường, Công viên Tuổi trẻ, hệ thống đèn chiếu sáng trang trí;  Hạ tầng xã hội gồm trụ sở các cơ quan đảng, nhà nước, nhà văn hóa trung tâm phường xã, các trường học, trạm y tế, bệnh viện; các khu nhà ở mang điểm nhấn đã được đầu tư xây dựng. Quy hoạch sử dụng đất thành phố đã được lập và phê duyệt trên cơ sở tối ưu hóa tiềm năng, lợi thế và giành nhiều quỹ đất cho phát triển các khu đô thị, khu du lịch, khu cụm công nghiệp và xây dựng thành phố thể thao.

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016), thành phố Hòa Bình có vị trí quan trọng trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, được định hướng phát triển các trung tâm du lịch - đô thị dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, có vai trò quan trọng trọng về hạ tầng kỹ thuật vùng về cấp điện, cấp nước, điều tiết lũ, bảo vệ đầu nguồn lưu vực sông Đà và bảo tồn di sản thiên nhiên; trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội cấp vùng về y tế, văn hóa, du lịch chất lượng cao phía Tây Nam của Vùng Thủ đô Hà Nội. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển thành phố Hòa Bình nằm trong vùng trung tâm, động lực phát triển của tỉnh Hòa Bình bao gồm thành phố Hòa Bình - huyện Lương Sơn - Bắc huyện Lạc Thuỷ. Phát triển thành phố Hoà Bình trở thành trung tâm chính trị, động lực kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ của tỉnh; huy động các nguồn lực để xây dựng thành phố Hòa Bình trở thành đô thị loại II. Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được duyệt, xác định: Phát triển thành phố Hòa Bình trong giai đoạn 2025 định hướng lên đô thị loại II.

Trên cơ sở quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016, Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, căn cứ theo điều kiện hiện trạng, thành phố Hòa Bình đạt 3/5 tiêu chí, 2/5 tiêu chí chưa đạt là: Mật độ dân số; Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị. Về tiêu chuẩn, Thành phố đạt 51/63 tiêu chuẩn. Trong đó 24 tiêu chuẩn ở mức đạt mức tối đa; 14 tiêu chuẩn đạt mức trung bình; 13 tiêu chuẩn đạt mức tối thiểu. Thành phố không đạt 12 tiêu chuẩn với số điểm đánh giá là 69,7 điểm.

Thành phố Hòa Bình đang tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án về tập trung lãnh đạo xây dựng thành phố Hòa Bình đạt các tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình, trình BTV Tỉnh ủy xem xét, ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo xây dựng thành phố Hòa Bình đạt các tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hòa Bình. Xây dựng thành phố Hòa Bình đạt các tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025 là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Hòa Bình, được cụ thể hóa tại Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 31/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Thành phố xác định: Tập trung xây dựng thành phố Hòa Bình theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững lâu dài, có tính chất đặc thù phù hợp truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc và cảnh quan thiên nhiên của Hòa Bình. Phát huy vai trò, chức năng là đô thị trung tâm tổng hợp của tỉnh và vùng liên tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong nước và quốc tế. Tập trung nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị để đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng, trọng điểm làm động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Tập trung phát triển công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao để thu hút nhân lực; ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, các dự án lớn để thu hút các dự án khác, tạo ra sự đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị bền vững theo quy hoạch đô thị. Huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quỹ nhà ở phù hợp với yêu cầu phát triển của một đô thị văn minh, hiện đại theo chiến lược phát triển đô thị Quốc gia. Khai thác, huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các công trình lớn, hiện đại. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đô thị với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Thành phố Hòa Bình phấn đấu, đến năm 2025, tỷ lệ các tuyến phố văn minh đô thị đạt trên 65%. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới thành phố Hòa Bình vào năm 2024. Phấn đấu 03 xã hoàn thành đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Xây dựng thành phố Hòa Bình trở thành trung tâm hành chính, chính trị,
kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, dịch vụ du lịch; là hạt nhân thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế toàn tỉnh; là một trong những đô thị trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội; là đô thị cửa ngõ, cầu nối, giữa vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Tây Bắc. phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử và nguồn lực của thành phố Hòa Bình. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản theo mục tiêu đề ra. Đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. Thu nhập bình quân đầu người năm so với cả nước đạt tối thiểu 1,5 lần. Tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm đạt trên 10%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,3%. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm (bao gồm tăng tự nhiên và cơ học) đạt trên 1,5%. Quy mô dân số (bao gồm cả dân số quy đổi) đến năm 2025 đạt từ 200.000 người trở lên, tập trung trong khu vực nội thành. Nâng cao mật độ dân số cả ở khu vực nội thành và ngoại thành bằng các chính sách và cơ sở hạ tầng tốt. Tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng xuất khẩu, đảm bảo tăng việc làm như: Điện tử, may mặc, cơ khí chế tạo, khách sạn, nhà hàng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao…Chú trọng việc đào tạo nghề cho người dân đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp đóng trên địa bàn. Phối hợp đào tạo nghề tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động… Xây dựng chính quyền đô thị và văn hóa đô thị, xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng và hiệu quả việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đảm bảo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý với vị trí việc làm; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất chính trị, năng lực và uy tín đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức của Nhân dân trong nếp sống văn minh đô thị, từ văn hóa giao thông đến văn hóa sinh hoạt, bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị. Có chế tài xử lý vi phạm nghiêm minh đối các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong công tác đô thị..../.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)