DetailController

Chỉ đạo điều hành

Tăng cường công tác quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp ở khu vực có Dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

07/09/2023 15:25
Ngày 6/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1533/UBND-KTN về việc tăng cường công tác quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp ở khu vực có Dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Trong thời gian qua, các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thi công các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, công trình dự án trọng điểm của trung ương, của tỉnh. Trong đó có việc thực hiện các giải pháp để đảm bảo nguồn nguyên liệu đất đắp phục vụ các công trình dự án trên địa bàn tỉnh. Trước đây việc quản lý cấp phép thác đất san lấp trong quá trình cải tạo mặt bằng để phục vụ thi công các công trình dự án trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về quản lý, cấp phép khai thác đất san lấp khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và Văn bản 1499/UBND-NNTN ngày 20/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc quản lý, cấp phép khai thác đất dư thừa để làm đất san lấp khi cải tạo mặt bằng hạ cốt nền trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đang thực hiện trình tự thủ tục bãi bỏ Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 do không còn phù hợp với thực tiễn và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Do vậy trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ xem xét cấp phép khai thác đất san lấp ở khu vực có Dự án đầu tư xây dựng công trình theo Quy định tại Điều 65, Luật Khoáng sản; trình tự thực hiện theo trình tự quy định tại Điều 63, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản. 

Để đảm bảo nguồn đất san lấp phục vụ các công trình dự án trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình yêu cầu các Sở, Ban, Ngành Ủy ban nhân dân các huyện thành phố; các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép khai thác đất san lấp ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, như sau:

Việc cấp phép khai thác đất san lấp ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, khối lượng đất dôi dư cấp phép chỉ để cung cấp, phục vụ làm vật liệu san lấp cho các công trình dự án thi công trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp vì nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; công trình trọng điểm quốc gia hoặc các trường hợp khác phải có sự đồng ý chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và địa phương nơi tiếp nhận nguồn đất san lấp. Trên cơ sở kết quả phân tích mẫu chất lượng đất, chỉ chấp thuận cấp phép đối với đất làm vật liệu san lấp; đối với khoáng sản đất sét, kim loại và khoáng sản khác thực hiện theo quy định của pháp luật. Quá trình vận chuyển ra ngoài tỉnh phải đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường, kết cấu hạ tầng giao thông, xe vận chuyển phải đăng ký biển số, phủ bạt, trở đúng trọng tải theo quy định…

 Các tổ chức, cá nhân có đề nghị cấp phép khai thác đất san lấp ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thực hiện theo Quy định tại Điều 65, Luật Khoáng sản; trình tự thực hiện theo trình tự quy định tại Điều 63, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; thành phần hồ sơ đảm bảo theo quy định tại Điều 54, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ (được sửa đổi bổ sung tại Khoản 18, Điều 4, Nghị định số 22/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ) trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình có một số yêu cầu cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép khai thác đất san lấp ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình như sau: Phải lấy mẫu đất ở nhiều vị trí, độ sâu khác nhau, phân tích thành phần, chất lượng của đất làm vật liệu san lấp. Nếu nguồn đất đắp dôi dư có thành phần sét làm gạch ngói, sét làm xi măng, kim loại…thì phải thực hiện trình tự, thủ tục cấp phép theo quy định của pháp luật. Xác định cụ thể trữ lượng đất san lấp, mục đích sử dụng và đăng ký công trình, dự án lấy nguồn đất dôi dư. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện khoáng sản khác có giá trị cao hơn đất san lấp thì báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước để xử lý theo quy định. Xây dựng biện pháp, phương án thi công, vận chuyển phải đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường, tránh sạt lở cho các khu vực liền kề và đảm bảo theo thiết kế được phê duyệt. Sau khai thác thực hiện phục hồi môi trường hoặc thực hiện các hạng mục công trình theo thiết kế, dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp sau khi đảm bảo nhu cầu đất đắp cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh nhưng vẫn còn dôi dư đất đắp, chủ công trình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phương án vận chuyển ra ngoài tỉnh và chỉ được vận chuyển ra ngoài tỉnh sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép. Quá trình vận chuyển chủ công trình phải đăng ký phương tiện, số lượng xe vận chuyển đất đắp ra khỏi địa bàn tỉnh nếu được cho phép.

Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khai thác đất san lấp ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh để tham mưu, bố trí khu vực vị trí đổ đất cho phù hợp đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Chỉ xem xét, thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác đất san lấp ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình mà khối lượng đất san lấp dôi dư chỉ để thi công trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp khác báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định; khu vực vị trí khai thác đất san lấp phải đảm bảo các thủ tục về đất đai, môi trường và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển đất san, lấp ra khỏi địa bàn tỉnh.

Sở Xây dựng: Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các chủ đầu tư dự án rà soát đánh giá tổng hợp nhu cầu vật liệu đất san lấp của dự án; khối lượng đất dôi dư của các dự án theo thiết kế đã được phê duyệt. Tổng hợp cân đối nguồn vật liệu đất đắp phục vụ các công trình dự án trên địa bàn tỉnh; bổ sung các khu vực mỏ vào quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng (nhóm khoáng sản đất làm vật liệu san lấp) để phục vụ các công trình dự án trên địa bàn tỉnh đặc biệt là các công trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Công an tỉnh: Chủ trì, chỉ đạo công an các huyện, thành phố kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển đất san lấp trái quy định; xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển đất trái phép ra ngoài tỉnh; xe vận chuyển quá khổ, quá tải trọng theo quy định của pháp luật.

Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển đất san lấp trên địa bàn toàn tỉnh; xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển đất trái phép ra ngoài tỉnh; xe vận chuyển quá khổ, quá tải trọng theo quy định.

Sở Công Thương: Hướng dẫn thủ tục cấp phép, quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các Dự án đầu tư xây dựng công trình trong quá trình thi công, khai thác có sử dụng vật liệu công nghiệp; việc bổ sung quy hoạch khoáng sản chủ yếu (sắt, than, đồng, trì, vàng, nước khoáng…).

Các Sở, Ban, Ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; Quyết định số 104/QĐ-UBND ngày 17/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 02/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Chỉ thị số 50-CT/BCSĐ ngày 03/02/2023 của Ban cán sự Đảng ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về công tác quản lý mỏ, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Rà soát, cập nhật các khu vực mỏ đất được Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung quy hoạch để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm cơ sở cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đất san lấp theo quy định. Thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách các công trình dự án có đất dôi dư, các dự án có nhu cầu đất san lấp gửi Sở Xây dựng phối hợp cân đối nhu cầu vật liệu đất đắp trên địa bàn; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục cấp phép hoạt động khai thác đất ở các khu vực có dự án đầu tư, xây dựng công trình. Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc địa bàn huyện, thành phố quản lý. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn kiểm tra, theo dõi, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn quản lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản đất san lấp trái phép trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Trách nhiệm của Chủ đầu tư có đất dôi dư đề nghị cấp phép: Hoàn thiện các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và các thủ tục khác có liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành. Xây dựng kế hoạch khai thác, vận chuyển khối lượng đất dôi dư theo thiết kế được phê duyệt báo cáo Sở Xây dựng để tổng hợp cân đối nguồn đất đắp. Chỉ được phép khai thác vận chuyển sau khi có giấy phép được cấp và vận chuyển đúng vị trí đã đăng ký theo giấy phép. Trong quá trình khai thác nếu phát hiện khoáng sản khác hoặc có dấu hiệu không đảm bảo an toàn, thực hiện dừng ngay hoạt động khai thác báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Báo cáo các cơ quan chức năng (Công an tỉnh Sở Giao thông vận tải; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, thị trấn; Công an các huyện, thành phố) danh sách, biển số xe vận chuyển đất ra khỏi công trình, dự án; địa chỉ tiếp nhận nguồn đất đắp.

Trách nhiệm của các Chủ đầu tư nhận đất san lấp trên địa bàn tỉnh: Bố trí đảm bảo các điều kiện vị trí đổ đất theo quy định của pháp luật hiện hành về các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng và các thủ tục khác có liên quan. Xây dựng kế hoạch tiếp nhận, nhu cầu đất đắp theo thiết kế được phê duyệt báo cáo Sở Xây dựng để tổng hợp cân đối nguồn đất dôi dư từ các dự án khác trên địa bàn tỉnh./.

 

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

1.0/5 (11 Lượt đánh giá)