Với mục tiêu đưa chữ viết của dân tộc Mường trở thành một nhân tố nền tảng, bền vững trong việc giáo dục đạo đức, lòng tự tôn dân tộc thông qua các giá trị văn hóa đối với thế hệ trẻ, đóng góp vào sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc anh em, đồng thời góp phần vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày 28/6/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1349/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Theo đề án, việc dạy và học tiếng nói chữ viết dân tộc Mường được tổ chức dưới nhiều hình thức cho toàn thể cán bộ viên chức, công chức, học sinh, sinh viên ở tất cả các bậc học, cấp học trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: đến năm 2021, có 5% cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành chương trình học tiếng Mường; đến năm 2022, 100% học sinh, sinh viên trong địa bàn tỉnh Hòa Bình được học tiếng Dân tộc Mường. Đến năm 2025, có trên 20% cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành chương trình học tiếng Mường. Đến 2035, 100% cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc Mường sử dụng thành thạo tiếng dân tộc Mường, cụ thể như sau:
- Từ năm 2018 đến 2020: Tiếp thu chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về việc triển khai xây dựng Đề án; tổ chức xây dựng Đề án; Xây dựng đội ngũ chuyên gia, giảng viên cốt cán dạy tiếng dân tộc Mường; tổ chức khảo sát thực tế tại 4 Mường Bi- Vang- Thàng- Động; Xây dựng tài liệu giáo trình; Đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường cho các trường học trong tỉnh (khoảng 500 giáo viên).
- Từ năm 2021 đến 2025: Triển khai dạy và học thí điểm ở các trường dân tộc nội trú (DTNT), một số trường phổ thông, 01 trung tâm GDTX-GDNN, trường CĐ, TCCN và Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình; Triển khai dạy thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (dự kiến 01 lớp); Triển khai giai đoạn 1 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (25% CBCC, VC trong toàn tỉnh, khoảng 4.000 người tham gia).
- Từ năm 2026 đến 2035: Dạy đại trà cho sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp, học sinh các trường phổ thông, học viên các trung tâm GDTX-GDNN, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có nhu cầu trong tỉnh và các địa phương lân cận có nhu cầu.
Để thực hiện Đề án có 5 nhóm giải pháp được đưa ra cụ thể về: Thể chế, cơ chế thực hiện; Xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường; Xây dựng chương trình, tài liệu và sách giáo khoa; Cơ sở vật chất.
Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường được xây dựng và tổ chức thực hiện sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 ngày 16/9/2015 đã đề ra./.