DetailController

Lễ hội Cá tôm Sông Đà

Phát triển thủy sản kết hợp dịch vụ du lịch hồ Hòa Bình

24/10/2023 16:30
Hồ thủy điện Hòa Bình (sau đây gọi là Hồ Hòa Bình) được hình thành sau khi đắp đập ngăn sông Đà xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình, tạo nên một trong những hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, trải dài 230 km từ Hòa Bình đến Sơn La. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Hồ Hòa Bình nằm trong phạm vi hành chính của thành phố Hòa Bình và 4 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Mai Châu. Dung tích của Hồ Hòa Bình vào khoảng 9,45 tỷ m3, diện tích mặt hồ khoảng 8.900 ha. Hồ Hòa Bình tuy không xây dựng cho mục đích thủy sản, nhưng với điều kiện thuận lợi về mặt nước rộng, dòng chảy phù hợp cho phát triển nuôi cá lồng bè. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều hộ nuôi cá đã khéo léo kết hợp giữa phát triển thủy sản và kinh doanh dịch vụ du lịch, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Xã Thung Nai kết hợp nuôi trồng thủy sản với du lịch homestay cho hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có khoảng 4.900 lồng nuôi cá, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác vùng lòng hồ đạt 7.000 tấn, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên gần 2.000 lao động địa phương. Tham gia nuôi cá lồng không chỉ có các hộ dân ven hồ mà đã có nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Hiện trên Hồ Hòa Bình có gần 20 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chủ trang trại mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, trong đó có các doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư. 

Hồ Hòa Bình còn gắn liền với nhà máy thủy điện Hòa Bình, một công trình kinh tế quan trọng và là điểm tham quan hấp dẫn. Trong khu vực lòng Hồ Hòa Bình có 47 đảo lớn, nhỏ với diện tích gần 160 ha tạo nên quần thể kiến trúc, cảnh quan đẹp. Khu vực Hồ còn có nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh như: đền và động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên, các khu, điểm du lịch sinh thái: Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort, đảo Dừa; các điểm du lịch cộng đồng xóm Ké, Đá Bia, Ngòi Hoa, Mó Hém, Bích Trụ… cùng những bản làng dân tộc Mường, Dao,Thái. Với lợi thế về quần thể kiến trúc, cảnh quan đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo Hồ Hòa Bình đã được khai thác để phát triển du lịch. Hiện tại trên Hồ Hòa Bình đã hình thành mô hình hộ dân vừa nuôi cá lồng cung cấp cho thị trường, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái, giải trí. Các hộ dân đã chủ động kết hợp vừa nuôi cá, vừa đầu tư thuyền du lịch để phục vụ du khách như: dịch vụ đưa đón khách trên thuyền vào các điểm tham quan trong quần thể Hồ Hòa Bình, phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá lồng... Nhờ những cách làm này, du khách được trải nghiệm những dịch vụ mới mẻ, tham quan và sử dụng dịch vụ, sản phẩm đặc sản của địa phương. Mô hình nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ gắn với du lịch đã mở ra hướng đi mới trong mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, tăng sản lượng, tiêu thụ, giá trị sản xuất thủy sản, đây là cơ hội giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân và đặc biệt còn thúc đẩy các hoạt động du lịch phát triển, tạo ra các sản phẩm du lịch mới, đa dạng sản phẩm du lịch. Qua đó cũng là lời mời gọi du khách đến với du lịch Hòa Bình, góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2019, Khu du lịch Hồ Hòa Bình đã đón 550 nghìn lượt khách, chiếm khoảng 17,7% tổng số khách toàn tỉnh (trong đó có 26 nghìn  lượt khách quốc tế), tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 160 tỷ đồng. Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, Khu du lịch Hồ Hòa Bình chỉ đón được khoảng 150 nghìn  lượt khách/năm; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 70 tỷ đồng. Năm 2022 đã đón 400 nghìn lượt khách, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 116 tỷ đồng. Dự báo trong những năm tới khu du lịch sẽ đón trên 500 nghìn khách/năm, đáp ứng được tiêu chí số khách đến của Khu du lịch quốc gia.