DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Người gây dựng thương hiệu chè Shan Tuyết Pà Cò

21/09/2010 00:00

Vùng núi cao Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình nằm trên độ cao hơn 1000 m so với mực nước biển. Nơi đây, bà con người Mông còn lưu giữ được 1.256 cây chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Có kho của quý giá như vậy nhưng vài năm trước đây chè Pà Cò chưa có thương hiệu, chưa trở thành hàng hoá bởi lẽ bà con xấy chè ở góc bếp( gọi là chè đung đưa), do vậy chè uống có mùi khói bếp, mất vị thơm ngọt. Đã có những năm Ban Định canh Định cư tỉnh đầu tư tiền của cho dân địa phương làm lò sấy chè, rồi cung ứng giống cho dân trồng chè, nhưng khi cán bộ rút đi thì vườn chè lại hoang hoá trở lại.

Hình minh họa

 

Từ năm 2006 đến nay, nhờ sự mạnh dạn đầu tư của Công ty TNHH Phương Huyền- do kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thị Tâm làm giám đốc thì tiềm năng cây chè Pà Cò đã được đánh thức.
       Thế gian thường nói “của chồng, công vợ”, nhưng ở Công ty Phương Huyền thì ngược lại: Của vợ, công chồng. Cựu chiến binh Đỗ Văn Hoà, chồng chị Tâm nhiều năm nay lăn lộn với cây chè Pà Cò, anh cùng ăn, cùng ở với dân bản địa để bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản. Có một dạo người dân đào gốc chè cổ thụ bán cho các “đại gia” miền xuôi, anh Hoà phân tích điều hay lẽ phải cho bà con thấy, rồi gặp cả cán bộ xã, thôn, cán bộ kiểm lâm để ngăn chặn không cho thú chơi ngông làm mất nguồn tài nguyên quý. Thế nhưng, việc vận động trồng chè còn khó hơn nhiều. Anh Hoà kể lại: Đầu năm 2005, tôi cùng anh Sùng A Pha Bí thư Chi bộ, anh Sùng A Si Trưởng bản Chà Đáy đi vận động từng gia đình cắt cành chè đem ươm, có khá nhiều hộ không đồng ý, một số hộ không thèm tiếp vì họ chưa tin. Có cụ già nói: “Tao phải kiểm tra mày, cái bụng có thật ở trên này không? Có cái người Kinh trước đây làm mô hình dự án gì đó, không dám ở bỏ về, còn mày hãy phơi cái bụng thật đi”. Sau khi ba người chúng tôi làm trước, thấy cây chè dâm cành lên lá non thì mọi người mới tin và làm theo. Gắn bó cùng người dân mỗi năm cắt cành, ươm hai mươi vạn cây chè giống Shan Tuyết trồng khắp các bãi đồi, giờ đây vùng nguyên liệu chè Pà Cò đã mở rộng gần 200 ha.
        Mở xưởng chế biến tại Pà Cò, công ty nhập máy móc mới từ Đài Loan, tuyển 5 công nhân người Mông đi học lớp chế biến chè. Chè xanh được sơ chế xấy khô tại xưởng, sau đó được đưa về Công ty đóng gói, đóng hộp theo mẫu mã chè Shan Tuyết Pà Cò Mai Châu đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Anh Hoà cho biết: Là sản phẩm chè sạch, uống ngọt đượm nên sản phẩm làm ra không đủ bán, năm 2009 chè Pà Cò bán được 2 vạn hộp, nộp ngân sách 30 triệu đồng. Đồng hành cùng nông dân, Công ty TNHH Phương Huyền còn mở rộng vùng chè đặc sản trên 150 ha ở các xã Yên Hoà, Đoàn Kết thuộc huyện vùng cao Đà Bắc.
        Năm 2010 Công ty TMHH Phương Huyền dự tính sản xuất và tiêu thụ trên 200 tấn sản phẩm chè sạch, nhưng cái được lớn nhất là cây chè Shan Tuyết đã giúp nhiều gia đình nông dân đổi đời, góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng rẻo cao.
Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)