DetailController

Chỉ đạo điều hành

Nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030

08/04/2024 16:28
Nhằm nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các-bon và phòng, chống thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Ngày 04/4, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 171/QĐ-TTg ngày 07/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030. Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến hết năm 2030.

Mục tiêu cụ thể: Tổng diện tích rừng được nâng cao chất lượng là 3.600 ha, trong đó khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1.400 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 100 ha; làm giàu rừng tự nhiên 1.300 ha; nuôi dưỡng rừng tự nhiên 800 ha. Chất lượng rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng được cải thiện về trữ lượng rừng, đa dạng tổ thành loài cây và cấu trúc rừng đáp ứng yêu cầu về bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Rà soát hiện trạng, đối tượng rừng cần nâng cao chất lượng phù hợp với đặc điểm, hiện trạng của từng loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất; trong đó tập trung các khu vực có độ dốc lớn, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở cao. Trên cơ sở kết quả rà soát, xác định cụ thể về hiện trạng, đối tượng, diện tích, loại rừng theo chủ quản lý, xây dựng dự án, phương án, kế hoạch nâng cao chất lượng rừng xác định cụ thể các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; làm giàu rừng và nuôi dưỡng rừng. Lựa chọn loài cây trồng phù hợp với chức năng của từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) từng vùng sinh thái để bảo tồn hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng phòng hộ của rừng. Triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan như: Luật Lâm nghiệp 2017; Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đến năm 2030. Phối hợp với các cơ quan trung ương xây dựng các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, đa loài, nâng cao khả năng bảo tồn của hệ sinh thái rừng và chức năng phòng hộ của rừng trên điều kiện lập địa khó khăn, vùng đất dốc, vùng khô hạn, cho từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên) để triển khai thực hiện; trên cơ sở theo dõi, đánh giá kết quả tổ chức tổng kết, tài liệu hóa và nhân rộng mô hình ra các khu vực khác.

Rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, xây dựng phương án, dự án giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng đều có chủ quản lý theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh việc đo đạc, xác định ranh giới, sớm hoàn thành việc cắm mốc giới lâm phận cho các chủ rừng trên bản đồ và ngoài thực địa, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ và hiệu quả đối với rừng và đất lâm nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng; rà soát ranh giới, xử lý các trường hợp chồng lấn diện tích đất đai để bảo đảm sử dụng đất ổn định, lâu dài, đúng mục đích. Quản lý rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, gắn bảo vệ, phát triển rừng với bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng; toàn bộ diện tích rừng của các tổ chức quản lý rừng được xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững. Giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác như xây dựng thuỷ điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội về vai trò của hệ sinh thái rừng trong bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động người dân thực hiện tốt và chấp hành pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định cụ thể: khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng phân theo chủ rừng cần nâng cao chất lượng và xây dựng dự án/phương án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng chống thiên tai. Tổ chức thực hiện tốt các dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng theo các nguồn vốn theo quy định. Rà soát, bổ sung danh mục loài cây trồng vào danh sách cây trồng lâm nghiệp chính để quản lý chất lượng giống, nâng cao chất lượng rừng trồng. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý để giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh giao rừng cho các tổ chức theo quy định của pháp luật. Phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về vai trò, chức năng của hệ sinh thái rừng trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động Nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai. Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch; đầu mối tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh định kỳ (hàng năm, giai đoạn 3 - 5 năm) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu).

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cân đối vốn đầu tư phát triển để thực hiện kế hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định liên quan. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh để thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định liên quan, tham mưu phân bổ theo kế hoạch năm cho các địa phương, đơn vị thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, xây dựng kế hoạch, phương án giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng, đảm bảo toàn bộ diện tích rừng đều có chủ quản lý theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đo đạc, xác định ranh giới, hoàn thành việc cắm mốc giới lâm phận cho các chủ rừng trên bản đồ và ngoài thực địa, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ và hiệu quả đối với rừng và đất lâm nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng; rà soát ranh giới, xử lý các trường hợp chồng lấn diện tích đất đai để bảo đảm sử dụng đất ổn định, lâu dài, đúng mục đích; giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích khác như xây dựng thuỷ điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch… Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách đất đai, môi trường liên quan đến các dự án/phương án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng chống thiên tai và tổ chức thực hiện.

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các phóng sự, tin bài về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và vai trò của hệ sinh thái rừng trong bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị phục vụ kinh tế, xã hội, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng. Ban Dân tộc phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí lồng ghép các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình, đề án, dự án có liên quan để thực hiện các nội dung của Kế hoạch thực hiện Đề án.

Các sở, ban, ngành khác có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương xây dựng dự án/phương án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng, chống thiên tai và tổ chức thực hiện. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về vai trò, chức năng của hệ sinh thái rừng trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động Nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức rà soát hiện trạng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng rừng cần nâng cao chất lượng rừng; xây dựng mô hình điểm về nâng cao chất lượng rừng tại địa phương. Tổ chức thực hiện tốt các dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng; bố trí vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo kế hoạch trên địa bàn quản lý. Rà soát diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp chưa giao hiện do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Xây dựng kế hoạch giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo tinh thần tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án; báo cáo kết quả định kỳ (hàng năm, giai đoạn 3 - 5 năm) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)