DetailController

Thông tin báo cáo thống kê

Công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021

30/06/2022 00:00
Ngày 29/6, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương - Ban Chỉ đạo điều tra cơ sở hành chính Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Đồng chí Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình, tham dự có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 04 loại đơn vị điều tra, bao gồm: doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Khác với các kỳ Tổng điều tra kinh tế trước đây, trong Tổng điều tra năm 2021 đơn vị điều tra là cơ quan hành chính do Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện. Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng báo cáo nhằm phác họa đầy đủ sự biến động của toàn bộ các đơn vị điều tra đang hoạt động trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2020 được chọn là năm số liệu để thu thập và tổng hợp thống nhất cho tất cả các loại đơn vị điều tra. Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, cuộc Tổng điều tra kinh tế được triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thông qua Ban chỉ đạo Tổng điều tra các cấp, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Đến nay, công tác xử lý, tổng hợp kết quả chính thức đã hoàn thành theo đúng tiến độ trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 31/12/2020 cả nước có 684,3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,5% về số doanh nghiệp và tăng 4,9% về số lao động so với năm 2016. Cũng tại thời điểm trên, cả nước có gần 15,3 nghìn hợp tác xã (HTX) với số lao động là 167 nghìn người, tăng 17,6% về số HTX và giảm 16,9% về lao động so với năm 2016. Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đạt gần 5,2 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động, tăng 5,9% về số cơ sở và tăng 5,2% về số lao động so với năm 2016.

Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có hơn 46,8 nghìn cơ sở với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người làm việc so với năm 2016. Đơn vị hành chính, tổ chức chính trị - xã hội có gần 32,3 nghìn đơn vị, giảm 49,1% (giảm 31,2 nghìn đơn vị) so với năm 2016. Quy mô lao động bình quân một đơn vị điều tra năm 2020 biến động không đều so với năm 2016. Quy mô này giảm nhẹ từ 4,7 người năm 2016 xuống 4,6 người năm 2020.

Cả nước có gần 32,3 nghìn đơn vị hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là đơn vị hành chính), giảm 49,1% so với năm 2016. Tổng số lao động trong các đơn vị hành chính là 1.382 nghìn lao động, tăng 15% so với năm 2016. Tỷ lệ người đứng đầu cơ sở hành chính đạt trình độ đại học và trên đại học rất cao với 31.597 người có trình độ từ đại học trở lên, chiếm tỷ lệ 97,85%. Trình độ đào tạo của lao động trong các cơ sở hành chính ngày càng được nâng cao, số lượng lao động có trình độ Đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ lớn với 58,4%, tương đương 807,1 nghìn lao động.

Kết quả điều tra cơ sở hành chính năm 2021 cả nước có 90.551 địa điểm, cơ sở trực thuộc 32.292 đơn vị điều tra, trong đó, khối các tổ chức hành chính, Đảng, chính trị - xã hội cấp xã là 60.885 cơ sở, chiếm 67,24% tổng số địa điểm, cơ sở trực thuộc đơn vị điều tra.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, nhấn mạnh: Cuộc Tổng điều tra và điều tra thống kê đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá hiện trạng và tham mưu, đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Thông tin thu thập được trong Tổng điều tra cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế với nhiều điểm sáng, nhiều thành tựu nổi bật; phục vụ công tác tham mưu chiến lược của các Bộ, ngành và địa phương; đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo, điều hành phù hợp để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững…/.