DetailController

Kinh tế

Chương trình 135 nâng cao đời sống của người dân vùng đặc biệt khó khăn

18/10/2010 00:00
Tỉnh ta là một trong những tỉnh miền núi phía bắc có nhiều xã, thôn, bản nằm trong vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được hưởng sự ưu đãi của Nhà nước thông qua Chương trình 135, giai đoạn II. Qua 5 năm (2006 - 2010) triển khai và lồng ghép với nguồn vốn của nhiều chương trình khác, các địa phương đã thực hiện có hiệu quả Chương trình 135. Các công trình giao thông, giáo dục, y tế đã phát huy hiệu quả tích cực, đời sống của đồng bào các dân tộc vùng ĐBKK được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh xuống dưới mức 15% và không còn hộ thiếu đói .
Người dân xã ĐBKK Tân Pheo, huyện Đà Bắc thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp góp phần tăng thu nhập cho gia đình

 

Đồng chí Phạm Tiến Dũng - Phó chi cục trưởng Định cư định canh của tỉnh cho biết, trong 5 năm (2006 - 2010) tổng số vốn T.Ư cấp cho tỉnh ta thực hiện các Dự án của Chương trình 135 là gần 476 tỷ đồng. Theo đó, tại các xã, thôn, bản trong vùng ĐBKK đã xây dựng được 573 công trình, bao gồm 60 công trình điện, 141 lớp học, 18 nhà sinh hoạt cộng đồng, 124 công trình thủy lợi, 153 công trình giao thông... Trong khi triển khai các Dự án, mọi việc từ quy hoạch, phân bổ vốn đầu tư đến lựa chọn công trình và địa điểm xây dựng công trình đều thực hiện theo nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm đúng địa bàn các xã, thôn, bản vùng ĐBKK. Việc lựa chọn công trình đầu tư, kế hoạch đầu tư và suốt quá trình xây dựng công trình cũng đều có sự tham gia, giám sát của người dân. Cụ thể năm 2007, UBND tỉnh giao cho 17 xã làm chủ đầu tư 29 danh mục công trình, năm 2008 giao 20 xã làm chủ đầu tư 36 công trình; từ năm 2009 đến nay giao cho các xã làm chủ đầu tư công trình có vốn dưới 800 triệu đồng. Thực tế cho thấy, việc xây dựng các công trình ở vùng ĐBKK thuộc Chương trình 135 đã đạt được mục tiêu : “ - Xã có công trình, người dân có việc làm và tăng thu nhập để cải thiện đời sống gia đình khi tham gia ngày công lao động”. Đồng thời, thông qua lao động xây dựng công trình việc kiểm tra, giám sát của người dân được tăng cường nhằm góp phần quản lý chất lượng chất lượng công trình, gắn trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ công trình. Ước tính trong quá trình triển khai các Dự án, Chương trình 135 đã góp phần tạo việc làm cho đồng bào vùng ĐBKK một lượng lớn ngày công trị giá khoảng 20 tỷ đồng.
 Cùng với việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng Chương trình 135 còn hỗ trợ gần 15,4 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất bằng các hình thức xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn...Kết quả, toàn tỉnh đã xây dựng được 52 mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất; hỗ trợ cây - con giống cho gần 6.500 hộ nghèo; mở gần 100 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm (KNKL) và tổ chức cho các hộ dân vùng ĐBKK đi tham quan, học hói kinh nghiệm ở những mô hình sản xuất giỏi ở trong và ngoài tỉnh; xây dựng sáu tủ sách KNKL; cấp hỗ trợ 39 máy nông cụ; hỗ trợ vốn và kỹ thuật để người dân hai xã Hang Kia, Pà Cò chăm sóc 25 ha chè Shan tuyết.
 
Những kết quả từ thực hiện Chương trình 135 đã giúp cho đồng bào các dân tộc vùng ĐBKK ở tỉnh ta xóa đói giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống gia đình. Nhiều hộ nghèo là người dân tộc thiểu số được tiếp cận dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội đầy đủ và chất lượng hơn. Từ sự đầu tư của Nhà nước cùng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc vùng ĐBKK đã góp phần vào sự ổn định về mọi mặt ở vùng nông thôn miền núi và của cả tỉnh nói chung. Đến năm 2010, thu nhập bình quân đạt hơn 13 triệu đồng/người/năm; toàn tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm  dưới 15%. Đời sống vật chất, văn hóa của người dân ngày càng được cải thiện, khoảng cách giữa các vùng ĐBKK với măt bằng chung của tỉnh được thu hẹp ./.
Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)