DetailController

Kinh tế

7 sự kiện tài chính tiền tệ Việt Nam tiêu biểu năm 2011

04/01/2012 00:00

Năm 2011 là một năm đầy biến động trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Dưới đây là 7 sự kiện tài chính tiền tệ nổi bật năm 2011.

1.                  Giá vàng lập kỉ lục mới trong lịch sử

Trong năm nay, giá vàng đã tăng 20% và thiết lập mức kỷ lục 1.923,7 USD/ounce trong ngày 6/9. Vàng đang hướng tới năm tăng thứ 11 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ những năm 1920.

2.                  Vỡ tín dụng “đen” hàng loạt

Năm 2011 được chứng kiến hàng loạt các vụ vỡ tín dụng đen với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình là vụ vỡ tín dụng với giá trị lên tới 3000 tỷ đồng của đại gia chứng khoán, bất động sản Huỳnh Thị Huyền Như (TP HCM), hay các vụ vỡ tín dụng tại Đan Phượng, Phú Xuyên, Hà Tĩnh…với giá trị cả trăm tỷ đồng. Những vụ vỡ nợ tín dụng đen à một chỉ dấu phản ánh hoạt động của hệ thống ngân hàng đang có chiếu hướng xấu đi. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 7.10.2011, nợ xấu của nhóm NHTM nhà nước tăng 66,18%, nhóm các ngân hàng cổ phần tăng 44,29%, nhóm ngân hàng liên doanh, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng 59,23% so với cuối năm 2010.

3.                  NHNN mạnh tay giữ lãi suất huy động trần 14%

Ngày 7/9/2011, NHNN có chỉ thị số 02/CT-NHNN về việc quy định trần lãi suất huy động nội tệ tối đa là 14%. Đồng thời, NHNN đã có hàng loạt các biện pháp mạnh tay như không cấp phép mở chi nhánh, pGD trong vòng 1 năm, yêu cầu các ngân hàng xử lý kỷ luật đối với nhân viên vi phạm…Điều này đã mang lại sự ổn định cho hệ thống ngân hàng, tránh những cuộc đua lãi suất không lành mạnh.

4.                  Siết tín dụng cho ngành “bất động sản”, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lâm vào tình trạng thiếu vốn

Ngày 24/2/2011, Chính phủ đã có nghị quyết 11/CP-NQ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 1/3/2011 về thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, theo đó đã yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế cấp tín dụng đối với các ngành phi sản xuất, trong đó có bất động sản. Việc siết chặt tín dụng, cùng với cầu sụt giảm và hàng loạt vụ vỡ nợ liên quan đến bất động sản trong năm là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến làn sóng bán tháo bất động sản thời gian gần đây. Tuy nhiên, giá bất động sản vẫn ở mức cao càng làm cho cung cầu khó gặp nhau.

5.                  Chủ trương đưa vàng miếng SJC thành thương hiệu quốc gia

Trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13, tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh vàng miếng thương hiệu SJC được lựa chọn là nhãn vàng của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Khi điều kiện cho phép, nhãn vàng này sẽ được chuyển thành SBV – nhãn của NHNN. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – chủ sở hữu nhãnSJC sẽ được chuyển từ thuộc UBND TP.HCM sang trực thuộc NHNN, để Nhà nước vừa giữ được độc quyền trong việc quản lý và sản xuất vàng miếng, vừa tiết giảm được chi phí trong sản xuất. Điều này cho thấy quyết tâm rất lớn của NHNN trong việc kiểm soát thị trường vàng miếng. Tuy nhiên, trên thực tế, để có thể bình ổn thị trường vàng miếng thì lại không đơn giản bởi sự biến động đầy phức tạp của một hàng hoá cất trữ giá trị. Một khi vàng miếng trong nước trực thuộc quản lý của NHNN thì có thể nói vàng miếng thôi không còn được xem như một loại hàng hóa mà chính thức trở thành một loại ngoại tệ do NHNN quản lý lưu thông trong nước.

6.                  Sự kiện hợp nhất 3 ngân hàng được coi là bước khởi đầu quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của NHNN

Ngày 6/12/2011, Ngân hàng Nhà nước công bố chủ trương hợp nhất ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB. phương án hợp nhất ba ngân hàng này đã được thông qua nhanh chóng với tỷ lệ chuyển đổi là 1:1 và ngân hàng mới cũng được lấy tên là SCB.

SCB là ngân hàng lớn nhất với vốn điều lệ 4.184 tỉ đồng, tổng tài sản là 77.581 tỉ đồng và có đến 118 chi nhánh và phòng giao dịch. TNB có vốn điều lệ 3.399 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 58.939 tỉ đồng và có 82 chi nhánh, phòng giao dịch. FCB là ngân hàng có quy mô nhỏ nhất trong số ba ngân hàng này với vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, tổng tài sản là 17.105 tỉ đồng và chỉ có 27 chi nhánh, phòng giao dịch. Dự kiến sau khi hợp nhất về quy mô, ngân hàng SCB hợp nhất sẽ có vốn điều lệ mới là 10.584 tỉ đồng, tổng tài sản 153.626 tỉ đồng. Theo đề án hợp nhất vừa công bố thì đến năm 2014, SCB hợp nhất sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên đến hơn 16.000 tỉ đồng với tổng tài sản đạt trên 200.000 tỉ và lợi nhuận năm đạt gần 1.900 tỉ đồng. 

7.                  Thị trường chứng khoán tiếp tục ảm đạm

Năm 2011, thị trường chứng khoán tiếp tục ảm đạm. chỉ số Vn index quanh quẩn ở mức 370-520, HNX index dao động từ 60-114, thanh khoản giảm sút mạnh, Thị trường OTC và UPCOM cũng hầu như bị đóng băng với khối lượng giao dịch rất ảm đạm không đáng kể. trong 9 tháng đầu năm 18 CTCK niêm yết lỗ tổng cộng 1.352 tỷ đồng.

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)