Đỉnh núi mà người dân bản người Dao Đằng Long, xã Bắc Sơn (Kim Bôi) gọi là cổng trời, cao vút hết tầm mắt. Ở đó quanh năm chơi vơi gió, bồng bềnh mây. Như ranh giới, điểm tiếp giáp giữa trời và đất. Để đi đến đỉnh cũng phải mất cả buổi. Vậy nhưng, gần 50 hộ dân bản người Dao Đằng Long đang đồng lòng, chung sức làm nên một con đường nối từ bản đi... xuyên qua cổng trời.
Nếu không được Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Bùi Văn Lương nói trước thì tôi không thể tin con đường ngoằn ngoèo uốn lượn mềm mại như dải lụa vắt ngang qua các sườn núi chạy dọc gần chục km trước mặt là công trình mà người dân ở bản Dao Đằng Long tự bỏ tiền thuê máy về làm trong thời gian qua. Phải khẳng định đó là một kỳ tích.
Bản Đằng Long là nơi quy tụ 46 nóc nhà của đồng bào người Dao. Trước đây cuộc sống khó khăn, Đằng Long gần như biệt lập với cuộc sống bên ngoài. Muốn đến chỉ bằng cách đi bộ băng rừng, vượt núi. Hàng hoá nông sản làm ra chỉ duy nhất xuống núi trên lưng ngựa. Cuộc sống bản Dao tính ra mới chỉ có sự thay đổi đáng kể cách đây vài năm. Trước đây trình độ, tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu. Chủ yếu trông vào việc làm lúa nương. Làm xong chỗ này lại đi phát cây, chọc lỗ tra hạt chỗ khác. Làm chẳng đủ ăn, 100% số hộ dân trong bản quanh năm đói. Rồi khi cây bương được đưa về trồng ở đây, cuộc sống người dân đã bắt đầu khởi sắc. Tuy chưa giàu nhưng đa phần các hộ dân đã từng bước ổn định cuộc sống, có hộ đã thoát nghèo. Nhưng phải đến năm 2004 khi cây khoai lang cao sản trở thành thế mạnh thì cuộc sống của người Dao ở Đằng Long mới thực sự bứt phá.
Làm ra nông sản, có thị trường tiêu thụ nhưng không có đường vận chuyển. Điều đó như sợi dây trói chặt những bước tiến của người dân ở Đằng Long. “Nếu không có đường thì chẳng biết đến bao giờ dân mình mới hết khổ, hết nghèo. Mình đã vận động nhân dân chung tay chung sức để làm đường. Làm được con đường có nghĩa là người Dao ở đây đã vượt lên chính mình”, miệng nói, mắt cười trưởng xóm Đằng Long, Triệu Văn Tiến không giấu được niềm vui. Ý tưởng được đưa ra, 100% số hộ trong bản nhất trí.
Vận động được dân đã khó, bắt tay vào làm càng khó hơn. “Dù khó khăn đến mấy thì cũng phải vượt qua. Nếu không con đường để thoát nghèo sẽ không biết đến bao giờ mới thành hiện thực” trưởng xóm Đằng Long cởi mở. Và rồi chính ông trưởng xóm đã đến từng nhà vận động. Lòng người Dao ngay thẳng nói thì phải làm, nếu không làm sẽ chẳng ai tin. Không tin một lần thì lần sau có làm gì, nói gì người ta vẫn không tin. “Mình có tiền rồi cũng sẽ tiêu hết, nhưng dùng tiền đấy để làm đường thì mình được con đường đòi đời kiếp kiếp, mình được hưởng và con cháu mình cũng được hưởng”, cái lý đó của ông trưởng bản đã thuyết phục được người dân ưng cái bụng. Nhà nhà vận động nhau góp tiền mở đường lên Thung Chừa rồi xuyên đến tận Cổng trời. “Tổng chiều dài con đường vào khoảng 7km, đã làm được hơn 5km, ôtô có thể lên tận Thung Chừa để chở hàng hoá nông sản về xuôi được rồi. Có được từng này đường, mỗi hộ dân đã phải đóng góp bình quân 10 triệu đồng/hộ. Hết vụ khoai năm nay chúng tôi sẽ có đủ tiền để tiếp tục làm nốt con đường xuyên qua Cổng trời nối sang Chợ Cá, Miếu Môn (Hà Nội). Đây sẽ là con đường đổi đời của bản Dao Đằng Long”, hướng về con đường dài hút, trưởng bản Triệu Văn Tiến nở nụ cười tin vào một ngày mai.
Nếu không có con đường thì chắc chẳng mấy ai biết đến bản Dao ở vùng Thung Chừa này. Xưa, đây là vùng núi hoang vu nhưng cũng đã từng là nơi cư trú của người Dao. Cuộc sống khó khăn cộng với bệnh sốt rét hoành hành làm cho nhiều người chết. Tin vào chuyện ma quỷ, người Dao đã rời bỏ vùng đất trù phú này đi tìm đến nơi ở mới với cuộc sống du canh, du cư không ổn định. Mãi đến năm 1964 họ mới quay trở lại. Thung Chừa vẫn là nơi hầu như không có ai dám bén mảng đến dù rằng ở đó đất đai trù phú, màu mỡ. Bởi trong tâm thức của cộng đồng người Dao Đằng Long vẫn tồn tại niềm tin đây là vùng đất ma, người không ở được. Nhưng rồi cái đói đã chiến thắng nỗi sợ hãi, kéo họ trở lại Thung Chừa. Ban đầu là khai khẩn đất hoang trồng lúa nương rồi đến ngô sắn. Sau đó cây bương và mới đây là cây khoai lang cao sản được mang lên trồng ở đây. Hợp đất, hợp khí hậu nên loại cây gì mang lên trồng trên Thùn Chừa cũng phát triển tốt. Với cây bương, hàng năm bình quân mỗi hộ gia đình cũng thu hàng chục triệu đồng từ việc thu hoạch măng. Còn cây khoai lang thì chỉ sau một thời gian ngắn đã trở thành động lực chính làm cho đời sống người dân ngày càng khấm khá.
Cuộc sống không điện, không đường đã làm cho người Dao lầm lũi với cái khó, cái khổ. Nhưng ngày 09/3/2009 đã thực sự trở thành ngày được ghi vào “bản phả” khi con “quái thú” bằng sắt được ông Trưởng xóm thuê về gầm gào vươn cánh tay máy san đất, xẻ núi. Tính đến nay, sau hơn 200 ngày dốc sức, 5km đường từ xóm chạy sâu vào Thung Chừa đã nên dáng nên hình.
Khi chúng tôi đến, xóm Đằng Long chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở nhà. Gặp ai cũng bảo: Thanh niên trai tráng cả làng đều đang làm đường ở Thung Chừa. Lên trên đấy mới gặp được họ.
Quả thật, không khí sôi nổi trên cung đường khác xa với sự trầm lắng nơi bản nhỏ. Anh Triệu Văn Thắng cho biết: Từ ngày làm đường trên này vui hẳn. Nhà nào cũng có người tham gia góp công, góp sức để làm đường. Chỉ còn khoảng 2km nữa là đường sẽ nối lên đến cổng trời. Theo tính toán của Trưởng xóm Triệu Văn Tiến thì hiện giờ chi phí làm đường đã hết hơn 300 triệu đồng và sẽ còn tăng thêm nữa. Số tiền này do 100% dân đóng góp. Sau vụ khoai lang tới đây chúng tôi sẽ có đủ tiền để hoàn thiện nốt phần còn lại. Từ khi có đường, người dân bản đã vô cùng phấn khởi. Nhất là từ tháng 5 vừa rồi đã có ôtô vào Thung Chừa chở nông sản về vùng dưới. “Cứ 2 ngày lại có một xe vào, hàng hoá nông sản làm ra không phải vận chuyển vất vả như trước nữa. Đường mở đến đâu, người dân lại thuê máy khai khẩn đất hoang thành ruộng đến đấy. Có nhà đã khai hoang được 1 - 2ha ruộng. Cứ như thế này chúng tôi sẽ không sợ đói nghèo nữa”, ông Trưởng bản tự tin nói. Đó là một thực tế, bởi trong khi ở các xóm khác vẫn còn hộ nghèo thì ở Đằng Long không còn hộ nào thuộc diện hộ nghèo. Bây giờ hộ ít nhất thì cũng thu được 40 - 50 triệu đồng/năm. Có đường vào, các hộ dự tính sẽ chuyển vào đây làm trang trại phát triển kinh tế. Theo nhẩm tính của ông trưởng xóm thì chỉ sang năm tới Thung Chừa sẽ có khoảng 20 hộ đầu tư làm trang trại. Đó là một điều mừng.
Nhưng “chỉ có một cái khó nữa mà chúng tôi chưa làm được đó là cái sự học và con chữ còn dở dang quá. Trước đây vì đường xá đi lại khó khăn nên các cháu chỉ học hết cấp II rồi lại bỏ học. Chẳng có đứa nào theo học hết cấp III. Từ xưa đến nay, duy nhất năm ngoái ở xóm mới có 2 cháu học đến cấp III. Bây giờ có đường, có điều kiện kinh tế chắc chỉ một vài năm nữa cái chữ ở đây không còn “đói” như trước nữa”, Trưởng bản Đằng Long trăn trở.
Trước mắt, dù còn nhiều khó khăn, nhưng người Dao ở Đằng Long vẫn tự mình vươn lên. “Làm được con đường, chúng tôi sẽ không còn nghèo đói nữa”. Ở Đằng Long bây giờ, gặp ai cũng đều khẳng định điều này một cách chắc chắn.