NewsByCategory

DetailController

Tin tức và sự kiện

Người khởi xướng mô hình 50/50 ở Cao Phong

14/11/2014 00:00
Hiện nay, mô hình liên kết trồng cam đang phát triển khá mạnh không chỉ ở huyện Cao Phong mà còn các địa phương lân cận như: Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lạc Sơn,… Với hình thức liên kết, nhà đầu tư có vốn, kỹ thuật, công nghệ và thị trường tiêu thụ sản phẩm cùng hợp tác với người nông dân có đất, có lao động và các điều kiện khác. Khi thu hoạch sản phẩm, tổng thu nhập trên diện tích hợp tác sản xuất được chia đều cho mỗi bên, đảm bảo quyền lợi của cả đôi bên. Chính vì vậy mà mô hình liên kết sản xuất này còn được gọi tắt là mô hình 50/50. Người khởi xướng mô hình 50/50 này ở huyện Cao Phong chính là đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương bạt ngàn những đồi cam vàng mọng nước, đồng chí Nguyễn Văn Phúc luôn trăn trở một tâm nguyện là làm sao để người dân Cao Phong ai cũng có thể làm giàu từ cam. Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Cao Phong cây cam, quýt và mía tím đã khẳng định là cây trồng chủ lực của huyện với những thế mạnh vượt trội. Đặc biệt, cây cam, quýt đã phát triển nhanh trong những năm gần đây, là cây trồng thực sự đem lại giá trị kinh tế cao, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Năm 2013, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn toàn huyện đạt 1.200 ha, trong đó, cây có múi là 920 ha, tăng 500 ha so với năm 2009. Chỉ tính riêng sản lượng cam năm 2013, huyện Cao Phong thu đạt trên 15.000 tấn, tăng 6.000 tấn so với năm 2009 với doanh thu đạt 600 triệu đồng/ 1 ha. Việc phát triển cây cam đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, số hộ thu nhập từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm một tăng lên; cam Cao Phong đã và đang khẳng định được chất lượng và thương hiệu trên thị trường…

Hàng năm, bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể trên cơ sở áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật vào thực tiễn sản xuất, kết hợp với việc lựa chọn giống và đầu tư thâm canh nên chất lượng cây trồng đã được cải thiện rõ rệt, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương vẫn có những hộ nông dân sở hữu nhiều đất sản xuất và có lao động nhàn rỗi nhưng lại thiếu nguồn vốn đầu tư và thiếu vốn về khoa học kỹ thuật để sản xuất ra những sản phẩm có giá trị. Trong khi đó nhiều cá nhân có nguồn lực đầu tư cả vốn và khoa học kỹ thuật lại thiếu đất sản xuất để tạo ra sản phẩm cho gia đình và xã hội. Từ thực tế đó, đồng chí đã quyết tâm bắt tay với người nông dân trên tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi. Bắt đầu từ những thứ người nông dân có là đất và sức lao động và thứ bản thân đồng chí có là vốn đầu tư và kỹ thuật.

Điểm lựa chọn đầu tiên của đồng chí là xã Tân Phong và Dũng Phong, nơi thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với cây cam, nguồn lao động nông thôn dồi dào. Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong tâm sự: Thời gian đầu, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Cái đầu tiên là phải chọn người hợp tác với mình. Chọn được người mà đôi bên cùng tin tưởng, có trách nhiệm, có khao khát vươn lên trong biển người rộng lớn thì không hề đơn giản. Thời gian đầu, tôi chọn những cán bộ UBND xã có đất sản xuất để xây dựng hoài bão của mình. Khi thấy mô hình này thực sự đem lại hiệu quả, nhiều người dân trong xã đã mạnh dạn đề xuất muốn hợp tác cùng với tôi. Đến nay, trên địa huyện Cao Phong, nhiều nhà đầu tư đã liên kết với người nông dân để đầu tư trồng cam, chanh, bưởi Diễn, nâng diện tích cây có múi trong toàn huyện lên 1.000 ha, chất lượng được nâng lên, giá thành ổn định, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, trong đó có một bộ phận không nhỏ là những người nông dân trước đây từng thuộc diện hộ nghèo.

Đồng chí Phạm Văn Long, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong khẳng định: Hiện nay, mô hình 50/50 phát triển khá mạnh trên địa bàn huyện Cao Phong. Đối tượng cây trồng được lựa chọn là cây có múi. Mô hình này đang được người dân và các nhà đầu tư lựa chọn là mô hình hợp tác sản xuất phù hợp nhất với nhiều ưu điểm nổi trội trong giai đoạn hiện nay. Trên địa bàn huyện Cao Phong hiện có khoảng 108 ha cam được trồng theo hình thức liên kết sản xuất này ở 7/13 xã, thị trấn. Mô hình bước đầu đã tạo ra những hiệu quả xã hội rất tích cực, tạo việc làm cho người lao động nông thôn, ngăn chặn được tình trạng người dân bán đất, bán rừng rồi lại phải đi làm thuê kiếm sống. Từng bước giúp người dân tiếp cận dần với sản xuất nông nghiệp hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất thay cho tập quán canh tác truyền thống.

Với ưu điểm về mặt khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương như đất đai, khí hậu và nguồn lao động để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương như cây cam, mô hình 50/50 còn có thế mạnh về khả năng áp dụng, từ những diện tích nhỏ đến những diện tích lớn đều có thể hợp tác cùng sản xuât. Các thành phần kinh tế trong xã hội đều có thể tham gia và đều bình đẳng trước pháp luật. Chính những ưu điểm đó mà không chỉ người nông dân tin tưởng vào hình thức liên kết này mà nhiều nhà đầu tư cũng đang đặt niềm tin vào sự thành công của mô hình. Phát huy được trách nhiệm, nội lực của mỗi người dân, mỗi gia đình, dần từ bỏ tư duy kiểu dự án. Thành công với mô hình liên kết sản xuất nhưng đồng chí Nguyễn Văn Phúc vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và thử nghiệm mô hình trồng cam trên đất dốc. Hy vọng mô hình thành công sẽ giúp cho nhiều người dân ở các xã vùng cao có cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống./.