NewsByCategory

DetailController

Tin tức và sự kiện

Kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 157-KH/TU, ngày 22/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới" trên địa bàn tỉnh

25/01/2024 15:50
Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 157-KH/TU, ngày 22/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới", Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Coi trọng việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc định hướng phát triển và hoạt thực tiễn ở cơ sở, cơ quan, đơn vị một cách thiết thực và hiệu quả. Chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ.
Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, phương pháp kiểm tra, đánh giá thực chất kết quả học tập lý luận chính trị theo hướng thực chất. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong học tập lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm Chính trị. Tăng cường nâng cao chất lượng giảng dạy - học tập lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân cho học sinh, sinh viên trong hệ thống các trường phổ thông và cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; Gắn giảng dạy, học tập với các hoạt động thực tiễn. Tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy lý luận chính trị và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên phù hợp với nhu cầu quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị, những nội dung cơ bản, cốt lõi và những nội dung được Đảng vận dụng, phát triển mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng các hình thức đa dạng. Tăng thời lượng phát sóng, tích cực đăng các tin, bài về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên hệ thống phát thanh - truyền thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử của tỉnh, của huyện. Phát huy vai trò tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên các cấp. Hàng năm, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác lý luận gắn với tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phản bác có hiệu quả, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch. Đa dạng hóa hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin, chủ động nắm bắt âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị; chú trọng công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc tạo sự thống nhất trong phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ để cập nhật về nội dung và phương pháp đấu tranh. Chú trọng tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị; từng bước thực hiện có hiệu quả cơ chế, chế độ phù hợp cho đội ngũ giảng viên; việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cấp các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu công tác lý luận chính trị được quan tâm chỉ đạo.

Cùng với đó, công tác nghiên cứu lý luận được triển khai dưới nhiều hình thức, thông qua nghiên cứu các đề tài khoa học, tổ chức các hội thảo khoa học, nghiên cứu triển khai thực hiện các đề án, dự án, sáng kiến kinh nghiệm,… Từ đó, nhiều nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận cho việc hoạch định các chủ trương lớn của tỉnh, địa phương, góp phần đề xuất chính sách thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và các quy hoạch, đề án của tỉnh, ngành, địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung chú trọng triển khai các đề tài nghiên cứu theo hướng chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến phù hợp mô hình phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của tỉnh. Sản phẩm nghiên cứu là luận cứ khoa học được tổng kết từ thực tiễn góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp trong các nhiệm kỳ tiếp theo; nhiều mô hình mới, giải pháp mới, cách làm hay, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực được thực hiện, ứng dụng rộng rãi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời làm rõ, bổ sung, hoàn thiện cho công tác lý luận. Trong 5 năm thực hiện đã có trên 90 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực; trong đó có 32 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và rất nhiều công trình lịch sử đảng bộ các cấp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổ chức nhiều Hội thảo khoa học, nhằm đánh giá những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, từ đó rút ra những kinh nghiệm, bài học bổ ích cho việc lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới ở tỉnh như: Hội thảo về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hòa Bình từ khi tái lập tỉnh năm 1991; Hội thảo về vấn đề chủ trương thành lập tổ hợp tác năm 1993; Hội thảo tổng kết việc “tổ chức khoán sản phẩm trong nông nghiệp tại 2 xã Sào Báy và Đú Sáng (Kim Bôi) những năm 1970-1974”, thêm một khẳng định có căn cứ khoa học không chỉ Vĩnh Phúc, Hải Phòng có “khoán chui” mà từ thực tiễn, ở cơ sở của tỉnh Hòa Bình cũng đã mạnh dạn, sáng tạo “khoán chui”, góp phần có thêm căn cứ thực tiễn để Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định đề ra đường lối khoán sản phẩm trong nông nghiệp năm 1981 (Chỉ thị 100) và năm 1987 (Nghị quyết 10); Hội thảo khoa học “90 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình 1932-2022” nhằm khẳng định, tuyên truyền, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của nền Văn hóa Hòa Bình, một nền văn minh trong lịch sử nhân loại, sự tiếp nối của bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong dòng chảy của lịch sử; sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với tỉnh Hòa Bình”. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU về sưu tầm, biên soạn, xuất bản bộ sách “Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020”. Bộ sách được nghiên cứu và xuất bản sẽ là công trình đầu tiên phản ánh một cách khách quan, toàn diện và hệ thống lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020 trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, cũng như những đóng góp của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình trong quá trình dựng nước, giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy kho tàng tư liệu quý giá về vùng đất và con người Hòa Bình, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bên cạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, truyền thông, công tác tuyên truyền trên mạng xã hội cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã triển khai việc tạo lập các trang, nhóm trên mạng xã hội để để đăng tải, lan tỏa các thông tin tích cực, chính thống của các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước định hướng dư luận, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ nhất là liên quan đến các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của địa phương. Hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh, cấp huyện khá tích cực, đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, cơ hội chính trị, phản động trên không gian mạng; nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong tình hình mới; góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.