NewsByCategory

DetailController

Những tấm gương

Tự hào là người con bản Mường

14/11/2014 00:00
Chị Bùi Thị Bin sinh ra và lớn lên trên quê hương đất Mường xã Yên Nghiệp (huyện Lạc Sơn). Chị nhận thấy rằng nền kinh tế đang phát triển là nguy cơ mai một nghề dệt truyền thống ở địa phương. Với mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, cùng những đam mê với nghề dệt thổ cẩm đã thôi thúc chị phải làm một điều gì đó. Và kết quả sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, được sự ủng hộ của gia đình chị quyết tâm thành lập công ty TNHH MTV với cái tên Lục Nghiệp Thành vừa để lưu giữ nghề dệt truyền thống, lại tạo được việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ.
Chị Bùi Thị Bin, xóm Lục 2, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) tại Hội nghị biểu dương điển hình “Dân vận khéo” tỉnh Hòa Bình.

Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành do chị Bùi Thị Bin làm Giám đốc đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở địa phương. Hiện nay, Công ty đã giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động nữ trên địa bàn xã Yên Nghiệp với mức thu nhập ổn định từ 1,5- 3 triệu đồng/người/tháng. Chị em ngoài giờ làm việc ở xưởng có thể nhận hàng về dệt ở nhà, lại có thể tranh thủ những lúc nông nhàn rảnh rỗi. Sản phẩm thổ cẩm chị em làm ra, chị giúp chị em tiêu thụ. Đến nay cả xóm Lục, xã Yên Nghiệp đã có 350 khung dệt thổ cẩm, nhà nào cũng có từ 1- 2 khung dệt. Không phải đi làm xa mà vẫn có thu nhập ổn định, chị em có điều kiện thực hiện tốt chức năng của người vợ, người mẹ, giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái. Dệt thổ cẩm không tốn nhiều sức mà cần sự tỉ mẩn, khéo léo nên cũng thu hút được nhiều lao động là trẻ em, người già, người khuyết tật tham gia. Và đặc biệt, vì với mục đích giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nên mọi người rất phấn khởi.

Với mục đích tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm, chị Bin đã thành lập một tổ bao gồm những nghệ nhân giỏi để hướng dẫn, hỗ trợ các chị em khác về kỹ thuật. Nhờ vậy, các sản phẩm làm ra như cạp váy, chăn, gối, đệm, quần áo…đều có những mẫu hoa văn mới lạ, hấp dẫn nên đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng và du khách thập phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái chung của nền kinh tế nên sản phẩm công ty nhiều khi tiêu thụ chậm, chị em có một số người chán nản. Là người đứng đầu, chị Bùi Thị Bin lại kiên trì đến từng hộ gia đình để động viên chị em vượt qua khó khăn.

Không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đến nay thổ cẩm mang tên Công ty TNHH Lục Nghiệp Thành do chị Bùi Thị Bin làm Giám đốc đã có mặt tại nhiều huyện trong tỉnh như: Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Thủy, Kỳ Sơn và các huyện miền núi phía Bắc (tỉnh Thanh Hóa). Không những thế, chị còn trực tiếp đưa sản phẩm của công ty tới tham gia tại các hội chợ, các cuộc triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu sản phẩm, qua đó đã mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Từ những sản phẩm trang phục chị em làm ra, chị vận động chị em thường xuyên mặc trang phục dân tộc, nhất là trong các ngày lễ, tết, đám cưới... Ý tưởng này của chị Bin đưa ra đã được Hội PN xã Yên Nghiệp và Hội PN huyện Lạc Sơn ủng hộ mạnh mẽ. Từ đó, phong trào mặc trang phục dân tộc đang dần lan rộng trong đời sống hàng ngày của chị em phụ nữ Lạc Sơn. Chị cũng trực tiếp liên hệ với các cơ sở sản xuất thổ cẩm ở huyện Mai Châu và Tân Lạc để chị em được đi tham quan, học tập kinh nghiệm, giữ vững niềm tin để duy trì nghề dệt ở địa phương…

Chị Bùi Thị Lịch, Trưởng Ban dân vận huyện Lạc Sơn cho biết: Chị Bin là một phụ nữ năng động, tấm gương điển hình của phong trào dân vận khéo  ở địa phương. Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội, tham gia sôi nổi các hoạt động, phong trào thi đua giúp chị em phát triển kinh tế. Chị Bùi Thị Bin còn được đánh giá là người phụ nữ chu đáo đối với gia đình. Phấn đấu vươn lên để phát triển kinh tế, chị có điều kiện chăm lo cho các con học hành và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Vừa qua, Chị Bùi Thị Bin đã vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh, là 1 trong số 29 cá nhân tiêu biểu trong cả nước được Thủ tướng Chính Phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2002 - 2012. Tại Hội nghị Biểu dương những điển hình “Dân vận khéo” được BTV Tỉnh ủy tổ chức, chị được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Dân vận khéo”.

Vinh dự, tự hào với niềm vui chung, Chị Bùi Thị Bin cho biết: tháng 12/2012, xóm Lục 2 , xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tương lai không xa sẽ được quy hoạch thành làng văn hóa du lịch. Đây là cơ hội lớn để bạn bè khắp nơi biết đến Lạc Sơn với nền văn hóa Mường đậm đà bản sắc. Vùng đất này đang hứa hẹn với nhiều thay đổi và khởi sắc.