NewsByCategory

DetailController

Những tấm gương

Ông Đinh Đức Bân, tỷ phú nông dân

14/11/2014 00:00
Từng nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi từ năm 2007 đến năm 2011 cùng nhiều Bằng khen, giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và địa phương, ông Đinh Đức Bân, xóm Ong 1, xã Nam Phong, huyện Cao Phong nhiều năm liên tục là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. 62 tuổi đời, 32 năm tuổi Đảng, ông đã dành trọn tâm huyết của đời mình cho công tác hội nông dân ở địa phương và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Đinh Đức Bân tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Cao Phong lần thứ II năm 2014

Tiếp chúng tôi trong căn nhà ngập tràn những niềm vui, vẫn giọng nói hào sảng như thời trai trẻ, ông Đinh Đức Bân kể về những khó khăn của ông và gia đình những năm 93 - 94 của thế kỷ trước. Thời điểm ấy, vợ ông thường xuyên đau ốm, nhà thì đông con nhưng lại neo người lao động nên cuộc sống gia đình gặp rất khó khăn về kinh tế nhất là vào thời điểm giáp hạt và đầu năm học mới. Bản thân ông luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để vực kinh tế gia đình và lo được cho con cái ăn học bằng người. Thực sự đó là bài toán khó khi trong tay ông lúc đó chỉ có hai bàn tay trắng, trách nhiệm và nỗ lực của người làm chồng, làm cha.

Năm 1995, ông đã cùng với gia đình nhận khoán 10 ha đất hoang mạnh dạn trồng 4 ha cây keo, mía trắng xen đậu tương để dần cải tạo đất và 5.000 m2 mía tím trồng dưới ruộng. Với diện tích rộng, gia đình tôi đã bỏ rất nhiều công sức để gieo trồng nhưng trời đã không “thương”. Năm đó, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài cộng với hạn hán, hanh khô, số diện tích trồng keo bị chết gần một nửa, mía bán với giá rẻ nên thu nhập chẳng đáng là bao. Từ nguồn thu nhập ít ỏi đó đã giúp gia đình ông có một số vốn nho nhỏ để mở rộng diện tích sản xuất. Gia đình ông được Hội Nông dân của xã tín chấp cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn. Bản thân ông đã nhiều đêm thức trắng tự nghiên cứu sách báo, tài liệu và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật được mở tại xã. Với phương châm “trăm nghe không bằng một thấy”, ông đã tìm và học hỏi được nhiều kiến thức “sống” từ các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi cả ở trong và ngoài tỉnh. Năm 2008, ông mạnh dạn bàn bạc với gia đình trồng lại số diện tích keo bị chết và mở rộng ra trồng thêm 2 ha keo và 3,5 ha mía trắng. Đất đã không phụ công người… Nhờ có nguồn vốn đầu tư cộng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên năng suất và sản lượng cây trồng của gia đình ông năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến nay, từ 10 ha đất hoang, gia đình ông đã mở rộng phát triển với 6 ha mía và 4 ha keo. Cùng với trồng mía, trồng keo, gia đình ông còn chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và mở dịch vụ xay sát,…Nếu tổng doanh thu (đã trừ chi phí) năm 2009 của gia đình ông chỉ đạt 673 triệu đồng thì đến năm 2013 là 1,310 tỷ đồng, dự kiến năm 2014, gia đình ông sẽ đạt mức 1,5 - 1,6 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ năm 2009 đến năm 2013 của gia đình ông đạt 5,017 tỷ đồng. Hằng năm, gia đình ông đã tạo việc làm cho 40 - 50 lao động thường xuyên và thời vụ với thu nhập bình quân 3,5 - 4,7 triệu đồng/người/tháng.

Từng làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Phong nên ông tự thấy mình phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, cùng nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Vốn tính hăng hái, nhiệt tình, ông luôn sắn sàng hướng dẫn, phổ biến khoa học - kỹ thuật, các kinh nghiệm hay của bản thân về trồng trọt và chăn nuôi cho đông đảo hội viên và bà con nhân dân trong và ngoài xã. Từ sự giúp đỡ này, đến nay, xã Nam Phong đã có hơn 40 gia đình nông dân có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Đến thời điểm này, toàn xã Nam Phong đã phát triển với hơn 50 ha cây có múi, 280 ha mía, trên 20.000 con gia súc, gia cầm, thu nhập bình quân của người dân đạt 21 triệu đồng/người/năm. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên nông dân trong xã tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi, ông còn tích cực vận động bà con thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; giữ gìn nguồn nước hợp vệ sinh; trồng, chăm sóc rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn, không chặt phá rừng bừa bãi, không đốt rừng làm nương rẫy….

Là một người Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, ông và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ chương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không vi phạm pháp luật; thực hiện tốt hương ước, quy ước của làng, xóm; thực hiện tốt các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Gia đinh ông cũng tích cực tham gia đóng góp, ủng hộ các loại quỹ hằng năm từ 5 - 7 triệu đồng; hỗ trợ về kỹ thuật cho trên 20 hộ hội viên nông dân đến học hỏi kinh nghiệm và giúp đỡ được 18 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về giống và vốn… Từ năm 2007 đến nay, gia đình ông nhiều năm liên tục được UBND xã Nam Phong tặng nhiều giấy chứng nhận gia đình văn hóa 3 - 5 năm liên tục. Năm 2012, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi từ năm 2007 đến năm 2011, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm để ông Đinh Đức Bân và gia đình tiếp tục phát huy những thành tích trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương./.