NewsByCategory

DetailController

Những tấm gương

Người thương binh trên trận tuyến chống tệ nạn xã hội

13/04/2012 00:00

Đó là trận tuyến chống tệ nạn xã hội ma tuý và mại dâm đang trong giai đoạn nóng bỏng hiện nay, mà người thương binh Đỗ Ngọc Chiến đã dốc lòng, dốc sức tham gia. 

Ảnh minh họa

 Tâm sự với chúng tôi, phó Giám đốc Trung tâm chữa bệnh- giáo dục- lao động xã hội tỉnh Hoà Bình bày tỏ: "Những năm tháng tham gia chống Mỹ cứư nước, rồi cả lúc bị thương trong cuộc chiến chống bọn diệt chủng trên đất bạn Cam pu chia, gian khổ, ác liệt là thế nhưng người lính chúng tôi rất thanh thản.Thế mà trong thời bình, đối mặt với các tệ nạn xã hội, đầu óc lại căng thẳng và nhức nhối hơn. Các anh tính, hàng ngày, hàng giờ ở Trung tâm này phải chứng kiến cảnh lên cơn vật vã của những con nghiện mặt còn non choẹt, rồi những cảnh đời bất hạnh phải " bán hoa " kiếm sống...đau lòng lắm.Chúng tôi cố gắng phục vụ giúp họ cai nghiện, phục hồi sức khoẻ, tu thân để về với cộng đồng".

 
Tìm hiểu hoạt động của đơn vị, tận mắt chứng kiến nền nếp làm việc nghiêm túc của cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý giáo dục, dạy nghề cho đối tượng, nhất là thái độ phục vụ tận tụy của các y bác sỹ không quản ngại phơi nhiễm HIV- chúng tôi hiểu được vì sao Trung tâm Chữa bệnh- GD- LĐXH tỉnh Hoà Bình lại trở thành một địa chỉ cai nghiện ma tuý tin cậy. Hàng năm có trên 800 lượt học viên vào nơi đây thì ngoài diện cưỡng chế có tới gần một nửa số đối tượng ở trong và ngoài tỉnh tự nguyện xin vào chữa bệnh. Cũng áp dụng quy trình cai nghiện và phác đồ điều trị của ngành như các trung tâm khác, cơ sở vật chất cũng mới được nâng cấp khang trang vài năm gần đây, nhưng " tiếng lành đồn xa" của Trung tâm là ở chỗ quản lý chặt chẽ, không để cho ma tuý tuồn từ bên ngoài vào, không có tình trạng đầu gấu hành hạ, ăn chặn cả quà thăm nuôi học viên; do vậy mà cũng không để xảy ra tình trạng học viên đồng loạt phá phách, bỏ trốn.
 
Ở cương vị phó Giám đốc trực tiếp phụ trách phòng quản lý bảo vệ và phòng giáo dục- dạy nghề, anh Chiến tiết lộ bí quyết rất đơn giản là không uỷ nhiệm cho học viên tự quản như nơi khác, huy động tới 60% cán bộ viên chức thường trực quản lý, giám sát học viên 24/24 giờ trong ngày. Thực hiện điều này, các anh nhận vất vả về mình, từ Ban Giám đốc tới nhân viên phải thay nhau thức khuya, dậy sớm, ngày lễ tết cũng không được nghỉ như cơ quan khác. Trước đây, chỉ lơ là một tý, người nhà đến thăm nuôi tuồn ma tuý cho con em trong thức ăn, thậm chí đối tượng đến cai còn nhét cả thuốc phiện trong hậu môn- Sau toà án phải xử phạt lưu động tại trại để răn đe đối tượng. Năm 2009, đơn vị phát hiện 01 vụ đối tượng ngoài xã hội mang ma túy vào Trung tâm, đã thông báo với chính quyền địa phương và công an thành phố Hoà Bình vào bắt đưa đi xử lý theo pháp luật. Có 3 học viên lợi dụng khi đi lao động bỏ trốn, đơn vị đã kịp thời tổ chức truy bắt, xử lý theo quy định và giáo dục học viên tự nhận ra khuyết điểm để sửa chữa.
 
 Nghiêm khắc nhưng lại rộng lượng, vị tha với những con người một thời lầm lỡ, động viên họ yên tâm chữa trị chính là một phương thuốc hữu hiệu khiến các anh thành công. Trung tâm liên hệ với nhiều cơ sở sản xuất, nhận gia công đá mỹ nghệ, tăm màmh, làm lông mi mắt nhân tạo dể học viên có việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Anh Chiến dẫn chúng tôi thăm phòng ở của đối tượng, phòng nào cũng trang bị tivi nên mùa Word cup này học viên được hưởng niềm đam mê cùng trái bóng tận Phi châu.
 
Mỗi năm, từ nơi đây có hàng trăm đối tượng được trở về địa phương đã đoạn tuyệt hẳn với ma tuý, làm ăn lương thiện- họ không quên ơn nghĩa của nơi tái sinh cuộc đời mình. Đối với Đỗ Ngọc Chiến, đó là niềm vui lớn nhất dành cho anh, ngoài các bằng khen của Tỉnh, của Bộ đã trao cho đơn vị và bản thân. Trong cuộc chiến không khoan nhượng với tệ nạn xã hội, anh vẫn là người lính xung kích dũng cảm và bền bỉ tấn công.