NewsByCategory

DetailController

Những tấm gương

Liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng ngô sinh khối

21/01/2022 00:00
(HBĐT) - Đồng chí Ngô Văn Cường, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đà Bắc vinh dự là 1 trong 128 tác giả có sáng kiến xuất sắc, tiêu biểu được Tổng LĐLĐ Việt Nam tôn vinh, khen thưởng trong chương trình "75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, với sáng kiến "Xây dựng mô hình HTX kiểu mới liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng ngô sinh khối (NSK) xuất khẩu tại địa bàn huyện Đà Bắc".
Đồng chí Ngô Văn Cường, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đà Bắc thực địa tại vùng trồng ngô.

Theo số liệu thống kê, huyện Đà Bắc có diện tích trồng ngô khoảng 6.500 ha, tuy nhiên do địa hình đồi dốc, hạ tầng giao thông khó khăn, sản phẩm ngô hạt chủ yếu tiêu thụ qua tư thương, chi phí nhân công nhiều, giá thành thấp, lao động nặng nhọc mà thu nhập không cao. Từ trăn trở khi thực hiện phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới”, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm đến việc nâng cao tiêu chí thu nhập cho nông dân, thực hiện chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà vấn đề cốt lõi là quy hoạch được vùng chuyên canh quy mô lớn, có đầu ra ổn định, tổ chức mô hình liên kết sản xuất hiệu quả. Kết nối được với doanh nghiệp có nhu cầu chế biến NSK với sản lượng tiêu thụ lớn phục vụ nhu cầu trong nước, cũng như xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các đồng chí Ngô Văn Cường, Đinh Quốc Huy đã thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình HTX kiểu mới liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng NSK xuất khẩu tại địa bàn huyện Đà Bắc”.

Trồng NSK có ưu điểm vượt trội so với trồng ngô lấy hạt, đó là lợi thế về thời gian canh tác, chi phí lao động và các chi phí khác như thu hoạch, tẽ hạt, bảo quản, xuất hàng… Thời gian sinh trưởng của NSK chỉ bằng 3/4 thời gian ngô trồng lấy hạt, do đó tăng hệ số quay vòng đất, người nông dân có thể trồng 3 vụ/năm (ngô lấy hạt 2 vụ/năm). Công ty TNHH sản xuất và thương mại Duy Minh là doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Mô hình thành lập HTX liên kết vùng trồng ngô của huyện, không bó hẹp trong địa giới hành chính của từng xã; được doanh nghiệp đầu tư về tài sản cố định, máy móc cơ giới, vốn lưu động, nguồn cung cấp giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao kỹ thuật canh tác, giới thiệu đối tác là ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng cho HTX, xã viên. Thể hiện rõ nét sự liên kết 5 nhà: Nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học - nhà bank, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Bước đầu phát triển vùng trồng NSK tập trung khoảng 1.000 ha tại các xã: Cao Sơn, Tú Lý, Trung Thành, Yên Hòa, Đoàn Kết. Tận dụng quỹ đất sỏi, bãi, diện tích đất dốc có điều kiện canh tác khó khăn; diện tích đất trồng mía, trồng lúa không hiệu quả để trồng NSK. Thu nhập từ cây NSK cao hơn so với cây ngô hạt khoảng 30 triệu đồng/ha, tạo ra thu nhập tăng thêm cho 1.500 hộ nông dân, bình quân 20 triệu đồng/hộ/năm, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Giá trị doanh thu của HTX đạt 2.100 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 50 công nhân nhà máy chế biến đặt tại vùng nguyên liệu, với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/ tháng. Bên cạnh đó, trồng NSK giúp tiết kiệm việc thu dọn cây ngô khô phải đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường; đưa cơ giới vào sản xuất thay thế nhiều công đoạn lao động thủ công...

Các đồng chí Ngô Văn Cường, Đinh Quốc Huy đều là những cán bộ công đoàn chuyên trách nhiệt huyết, luôn đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn, nhiều năm xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cá nhân đồng chí Huy được nhận bằng khen của LĐLĐ tỉnh năm 2018 - 2020. Đề án đang trong quá trình triển khai thực hiện, hy vọng các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để chủ đầu tư hoàn thiện và thực hiện thắng lợi đề án.