NewsByCategory

DetailController

Những tấm gương

CCB làm giàu từ mô hình nuôi con đặc sản

09/07/2012 00:00
Từ hai bàn tay trắng sau xuất ngũ trở về địa phương. Cựu chiến binh (CCB) Đỗ Mạnh Hùng ở tiểu khu 1, thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) đã mang trong mình khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Trải qua nhiều nghề kiếm sống, nhiều lần làm ăn thua lỗ, đến nay, CCB Đỗ Mạnh Hùng đã khẳng định thành công nhờ chuyên tâm nuôi con đặc sản.
Ông Hùng đang kiểm tra sức khỏe ba ba.

Ông Hùng sinh ra trong một gia đình nghèo có cha làm nghề đóng gạch thủ công. Năm 1975, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đã lên đường nhập ngũ và đóng quân ở các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Biên Hòa, Huế. Đến năm 1982, ông xuất ngũ trở về quê hương, lập gia đình và tích cực tham gia lao động sản xuất ở địa phương.Với bản tính của người lính cụ Hồ và quyết tâm không để cho cái đói, cái nghèo bám theo. Ông quyết định thử sức mình với nghề đóng gạch của cha. Từ hai bàn tay trắng, để có vốn đầu tư, ông đã vay mượn của anh em, bạn bè được gần 10 triệu đồng. Cái nghề làm gạch khi được, khi mất, thời tiết lại không ủng hộ, nhiều lần nước lũ tràn tràn về làm ông mất trắng. Tuy vậy, ông vẫn cùng vợ con quyết không chịu lùi bước. Qua thời gian tích góp vốn và học hỏi kinh nghiệm, đến năm 1995, trong tay ông đã có đến 4 lò gạch, đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 80- 100 lao động địa phương. Cuộc sống gia đình ông đã gọi là khấm khá hơn trước. Nhưng nghề gạch của ông cũng chỉ kéo dài đến năm 2008, ông đã nhượng lại 4 lò gạch cho em trai và quyết định đào ao nuôi ba ba, kết hợp mô hình chăn nuôi chuồng trại.

Sở dĩ ông đưa ra quyết định lớn này bởi lẽ, ông nhận thấy thị trường đang có xu hướng tiêu thụ mạnh các loại con đặc sản. Ông Hùng đã lặn lội lên tận Yên bái, Sơn La để học hỏi kinh nghiện nuôi ba ba, rồi mua con giống về nuôi. Ban đầu ông nuôi ba ba trơn nhưng do chưa có kinh nghiệm nên ông đã nhanh chóng thất bại, số tiền 60 triệu đồng đầu tư coi như mất trắng. Không nản chí, năm 2007, ông Hùng đã khăn gói lên các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm cho được giống ba ba tốt, phù hợp với khí hậu của quê mình. Trong chuyến đi này, ông nhận thấy, ba ba gai là loài dễ nuôi, hay ăn chóng lớn, ít bệnh tật, có giá bán cao từ 1,6- 2 triệu đồng mỗi kg, gấp 4 lần ba ba trơn. Lúc đầu ông chỉ nuôi ba ba thương phẩm, nhưng nhận thấy thị trường Hòa Bình chưa có nơi nào cung cấp giống, vì vậy ông nuôi thêm cả ba ba giống để quay vòng khi xuất ba ba thịt, đồng thời cung cấp con giống cho những người có nhu cầu. Hiện nay, trang trại của ông có 12 ao nuôi ba ba, trong đó có 8 ao nuôi ba ba đẻ và 4 ao nuôi ba ba gai thương phẩm. Giá một con ba ba giống hiện nay ông bán từ 450.000 đồng đến 500.000 đồng; giá ba ba thương phẩm trên thị trường là 1,8 triệu đồng/kg. Đến nay gia đình ông có trên 300 con ba ba thương phẩm, chưa kể ba ba đẻ và con giống. Một năm trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 300 triệu đồng từ tiền ba ba.

 Ngoài thu nhập từ nuôi ba ba, năm 2007, một lần tình cờ xem phóng sự trên Đài truyền hình về cách nuôi nhím, ông đã gọi điện thoại cho chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng để được giới thiệu tham quan tại 2 mô hình nuôi nhím thành công ở Ba Vì (Hà Nội) và Sơn La. Sau chuyến tham quan, ông đã bàn với vợ con đầu tư xây dựng chuồng nuôi nhím và mua 10 đôi nhím về nuôi. Sau một thời gian, thấy nhím hay ăn chóng lớn, nhím mẹ sinh sản mạnh khỏe, ít bệnh tật và cho thu nhập cao. Ông đã quyết định mua thêm 50 đôi nữa. Ông Hùng cho biết, năm 2010 do gặp dịp, giá nhím lên tới 16 triệu đồng/đôi. Số tiền bán nhím, baba ông thu về được gần 1,5 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến nay, do giá nhím trên thị trường giảm nên ông cũng giảm số lượng nhím, chuyển sang nuôi nhím thịt.

 Không chỉ nuôi ba ba, nhím, hiện ở trang trại của ông Hùng có trên 200 chồn nuôi bán thịt và giống. Ông cho biết, giống chồn Nam Mỹ ông về tận Viện chăn nuôi quốc gia để mua chồn giống. Giống chồn này vừa dễ nuôi, nguồn thức ăn lại chủ yếu là rau cỏ trong vườn, ăn chất bột ít nên không tốn kém nhiều. Diện tích vườn rộng, nên ông đã để riêng một khoảng 300m2 đất trồng cỏ voi làm thức ăn cho chồn. Ngoài ra, trong vườn nhà ông đã tận dụng hết diện tích đất còn lại để trồng xuxu, khế, ổi, chuối, rau muống… làm thức ăn cho nhím. Ông cũng tiết lộ, nuôi ba ba gai cần chú ý đến nguồn nước. Hai tháng nên thay nước một lần và vớt hết thức ăn thừa, để tránh thức ăn phân hủy làm ô nhiễm nguồn nước gây bệnh cho ba ba.

Tính trung bình một năm trừ chi phí, số tiền gia đình ông thu về được từ việc bán giống, thịt ba ba, chồn, nhím từ 600- 700 triệu đồng. Nhờ có thu nhập cao và ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá, ông Hùng có điều kiện để giúp đỡ con cháu phát triển kinh tế. ông Hùng còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương, và sẵn sàng giúp đỡ về kỹ thuật nuôi nhím và ba ba cho những ai có nhu cầu. Hiện tại ông là Chi hội phó chi hội cựu chiến binh khu I../.