DetailController

Chuyển đổi số

Tập trung tháo gỡ vướng mắc và khẩn trương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh

22/04/2024 16:30
Trong năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP tỉnh luôn chú trọng quan tâm chỉ đạo bám sát mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 452/TTg-KSTT và các văn bản có liên quan để phối hợp triển khai hiệu quả 56 nhiệm vụ được giao thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành 10 nhiệm vụ; thực hiện thường xuyên 28 nhiệm vụ; đang triển khai 18 nhiệm vụ.

Ngay sau khi có Công văn số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Đề án 06, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP tỉnh đã chỉ đạo quán triệt, triển khai nghiêm túc và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát khó khăn, vướng mắc là “điểm nghẽn” để kịp thời tháo gỡ, tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện Đề án 06 tại các cơ quan, địa phương. Trong đó, tỉnh Hoà Bình đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung 3 Nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá các thành phần hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư theo yêu cầu của Chính phủ tại 19 Nghị quyết chuyên đề và việc điều chỉnh phương án đơn giản hóa. Kịp thời chỉ đạo thực hiện việc miễn, giảm phí, lệ phí khi công dân tham gia thực hiện Dịch vụ Công trực tuyến, ban hành Nghị quyết 267/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 quy định mức ưu đãi về một số nội dung về lệ phí khi thực hiện dịch vụ công bằng hình thức trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, tỉnh Hòa Bình đạt 43,55 điểm, đứng thứ 20/63 tỉnh thành phố về chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 23 bậc so với năm 2022. Qua đó, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh nói chung và chất lượng giải quyết TTHC trên môi trường điện tử nói riêng. Cụ thể, tỉnh đã cung cấp, tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia 1.298 dịch vụ công trực tuyến/1880 TTHC, đạt tỷ lệ 69,04%. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh hiện đang cung cấp 1.869 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó có 1.098 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 771 dịch vụ công trực tuyến một phần. Toàn tỉnh có 625 TTHC có yêu cầu về nghĩa vụ tài chính và được triển khai thanh toán trực tuyến, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, số TTHC có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến là 84,23%; tỷ lệ hồ sơ có phát sinh thanh toán trực tuyến trung bình đạt 81,27% .

Các cơ quan, đơn vị được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC đã khai thác sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử để thực hiện các TTHC, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử. Toàn tỉnh đã thực hiện tra cứu, xác thực thông tin người nộp hồ sơ thủ tục hành chính từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 65.498 lần/300.000 hồ sơ TTHC đã tiếp nhận, đạt 21,8%.

Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả 33/53 dịch vụ công thiết yếu ban hành tại Đề án 06/CP và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Đề án 06/CP là 25/25 dịch vụ; 8/28 dịch vụ theo Quyết định 422/QĐ-TTg; còn 6 dịch vụ chưa triển khai được do không tìm thấy dịch vụ công trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC hoặc chưa có hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.  

Hạ tầng phục vụ kết nối hệ thống thông tin được đảm bảo thông suốt, liên tục. Đến nay, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính Nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan Nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Năm 2023, theo dõi trên toàn hệ thống phần mềm có trên 2 triệu văn bản đến được cập nhật, xử lý và trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan, đơn vị. Việc ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước của tỉnh, với trên 6.700 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, có 90% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Đề án 06/CP trên địa bàn còn tồn tại một số hạn chế. Tư duy, nhận thức của một số cán bộ còn chưa thay đổi; các thiết bị và hệ thống quy phạm pháp luật về dữ liệu điện tử còn chưa đồng bộ, thông suốt. Trình độ dân trí chưa đồng đều, người dân chưa có nhiều điều kiện tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công cung cấp trên nền tảng trực tuyến.

Khắc phục những hạn chế trên, trong thời gian tới, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh giao các cơ quan, đơn vị chức năng, phát huy tổ chuyển đổi số cộng đồng, các điểm Bưu điện cấp xã tăng cường hỗ trợ người dân nhất là người đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn để thực hiện các giao dịch trực tuyến nhằm tiết kiệm, minh bạch, nhanh chóng, thuận lợi góp phần thay đổi tư duy “lối mòn”. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu, đề xuất đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin tại địa phương để đáp ứng tiêu chuẩn, quy định và yêu cầu nhiệm vụ Đề án 06/CP. Coi trọng việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với thực tiễn đảm bảo thống nhất trong cả hệ thống chính trị./.