Nghị quyết số 33 ngày 9/6/2014 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã xác định 5 quan điểm; 6 nhiệm vụ; 4 nhóm giải pháp để thực hiện được mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Thực hiện Nghị quyết số 33, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 27, ngày 03/10/2014 thực hiện Nghị quyết số 33. Theo đó, 100% các Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai quán triệt Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cũng đã lãnh đạo UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình, đề án trên cơ sở bám vào các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết. Qua 10 năm thực hiện NQ 33 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có có 191.833 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt tỷ lệ 88,3 %, tăng 18% so với năm 2014. Toàn tỉnh có 1.428 khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” đạt tỷ lệ 96,3%, tăng 34% so với năm 2014. Toàn tỉnh có 1.327 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 92,8%, tăng 0,1% so với năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 3,09% so với năm 2022 (giảm từ 12,29% xuống còn 9,2%).
Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33.
Đến nay, tỉnh Hoà Bình có 05 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia gồm: Mo Mường Hoà Bình, Nghệ thuật Chiêng Mường Hoà Bình (công nhận năm 2016); Tri thức dân gian Lịch tre dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình, Lễ hội truyền thống Khai hạ của người Mường Hoà Bình (năm 2022); Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng loóng của người Thái huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình (năm 2023). Trong đó, di sản văn hoá Mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đệ trình hồ sơ lên tổ chức UNESCO xem xét. Có 02 di sản đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia là: Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy Mường và Thường đang, bộ mẹng dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và nền “Văn hoá Hoà Bình” giai đoạn 2023 - 2030 với tổng kinh phí thực hiện Đề án trên 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều Câu lạc bộ văn hoá, nghệ thuật truyền thống được thành lập và các Câu lạc bộ văn nghệ tại xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định xây dựng và phát triển văn hoá, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là một nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, kiên trì, lâu dài, cần phải quán triệt một cách sâu sắc, toàn diện. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76-KL/TW, ngày 14/6/2020 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo triển khai của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nhất là 5 quan điểm được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong lĩnh vực văn hóa, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bằng các chương trình hành động cụ thể, các phong trào, các hoạt động văn hoá, văn nghệ. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hoá mới. Tăng cường xúc tiến, quảng bá giới thiệt về mảnh đất, con người và văn hóa Hòa Bình nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch và phát huy các giá trị văn hóa.
Nhân dịp này, Tỉnh ủy tặng Bằng khen cho 15 tổ chức Đảng và 17 đảng viên có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33; UBND tỉnh tặng bằng khen cho 5 tập thể, 12 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2006 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới".
Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của BTV Tỉnh ủy.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 13/4/2009 của BTV Tỉnh ủy.