DetailController

Chỉ đạo điều hành

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

26/04/2024 16:55
Ngày 26/4/2024, BTV Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 248-KH/TU về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục đích của Kế hoạch nhằm tổ chức, nghiên cứu, học tập, quán triệt Chỉ thị số 21-CT/TW để các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị- xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng nêu trong Chỉ thị và triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo bước đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐN đất nước và hội nhập quốc tế theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu thu hút 40-45% học sinh THCS và THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đào tạo thường xuyên, đào tạo lại cho khoảng 35% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%. Đến năm 2030, Hòa Bình có 1 trường cao đảng công lập có đủ năng lực đào tạo nghề trọng điểm quốc gia và khu vực về lĩnh vực cơ khí, động lực.

Định hướng đến năm 2045, tiếp tục đổi mới, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng, phù hợp với cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển, thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐN của tỉnh.

Kế hoạch xác định 5 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; thực hiện rà soát quy hoạch mạng lưới và hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững; đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình, sự kiểm tra giám sát của Nhà nước, giám sát của xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

BTV Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố cụ thể hóa các nội dung của Kế hoạch vào chương trình công tác hàng năm của ngành, địa phương. Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đảng đoàn HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đọa rà soát, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sach phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tăng cường công tác giám sát và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp đã ban hành.

Các Huyện ủy, Thành ủy, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Kế hoach của BTV Tỉnh ủy phù hợp với thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đảng đoàn MTTQ VN tỉnh và các tổ chức chính trị- xã hội của tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp Nhân dân tham gia công tác giáo dục nghề nghiệp.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, Kế hoạch của BTV Tỉnh ủy. Định kỳ hằng năm, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về BTV Tỉnh ủy./.