DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình

13/04/2024 20:06
Chiều ngày 13/4, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về kết quả thực hiện Thông báo số 95/TB-VPCP ngày 25/3/2023 của Văn phòng Chính phủ (Thông báo số 95) về Kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Tham dự có các đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn và doanh nghiệp Trung ương.
Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình

Làm việc với đoàn công tác Chính phủ về phía tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; BCH Đảng bộ tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo với Thủ tướng và Đoàn công tác về tình hình thực hiện Thông báo số 95, đã đạt kết quả cụ thể như: Về công tác lập quy hoạch tỉnh, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1648 ngày 20/12/2023; tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 22/01/2024 với sự tham gia của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Hiện nay, tỉnh đang tích cực hoàn thiện Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh trình phê duyệt theo quy định. Lập hồ sơ 2 di chỉ Hang Xóm Trại, Mái đá Làng Vành huyện Lạc Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt và lập Hồ sơ công nhận nền Văn hóa Hòa Bình là Di sản thế giới. Đồng thời thực hiện rà soát lại toàn bộ khu vực bệnh viện và các nguồn lực hiện có và đã có phương án xử lý trong thời kỳ đến năm 2030, Bệnh viện tỉnh vẫn đặt ở vị trí hiện tại, có đầu tư cải tạo, nâng cấp một số hạng mục trong bệnh viện đảm bảo tiêu chuẩn bệnh viện cấp I. Trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung hạng mục xây dựng mới Khoa Khám bệnh đạt chuẩn và bổ sung thiết bị xạ trị cho Khoa Ung Bướu bằng nguồn ngân sách tỉnh…

Cùng với đó, tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành rà soát các KCN hiện có và đã bổ sung các KCN mới vào Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với Dự án Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông đoạn Dốc Cun (Km78+420 - Km85+100) trên Quốc lộ 6, tỉnh Hòa Bình đã được Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn để triển khai thực hiện và ủy quyền cho Sở Giao thông vận tải Hòa Bình làm chủ đầu tư. Tháng 8/2023 đã khởi công, khối lượng hoàn thành đến nay đạt khoảng 60%, dự kiến đầu quý IV năm 2024 sẽ hoàn thành toàn tuyến. Về Đề án phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng kinh tế xã hội vùng đặc thù của tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai xây dựng đề cương chi tiết Đề án.  Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang quyết liệt chỉ đạo sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là dự án trọng điểm Đường Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu khởi công vào cuối Quý II năm 2024, đường Hòa Lạc – Thành phố Hòa Bình dự kiến khởi công vào quý IV năm 2024; đảm bảo đến cuối năm 2024 giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công đã giao…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tách đoạn 2 của Dự án Đường liên kết vùng (đoạn Km0-Km19 của Đường cao tốc CT03) thành dự án riêng, với quy mô đầu tư 04 làn xe; dự kiến tổng vốn đầu tư là 5.876 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh khoảng 1.600 tỷ đồng được điều chỉnh từ kế hoạch vốn đã bố trí cho dự án đường liên kết vùng. Tuyến đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá đến Quốc lộ 6 tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình (dự kiến tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nhưng do khu vực xã Phong Phú địa hình núi cao, khó kết nối với Quốc lộ 6, vì vậy kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh điểm kết nối với Quốc lộ 6 tại xã Phú Cường huyện Tân Lạc. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc thù tỉnh Hòa Bình.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư đã giải đáp các kiến nghị, đề xuất, đồng thời gợi mở nhiều cơ chế, chính sách, cách làm, giải pháp nhằm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới như: Đánh giá từng chỉ tiêu kinh tế xã hội cụ thể để có bước chuẩn bị cho nhiệm kỳ Đại hội sắp tới; chú trọng công tác phát triển hạ tầng giao thông; hạ tầng số; xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp mang đậm bản sắc xứ Mường Hòa Bình gắn với việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chuối giá trị để quảng bá giới thiệu tới người tiêu dùng, nhất là Thủ đô Hà Nội và hướng tới xuất khẩu, huy động nguồn lực xây dựng quy hoạch và liên kết phát triển du lịch vùng mang đậm bản sắc văn hóa Hòa Bình trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của tỉnh; Quan tâm cải cách hành chính nhất là 4 vấn đề cốt lõi để xây dựng hệ thống chính sách thật tốt; xây dựng một môi trường vă hóa trong cải cách hành chính; đảm bảo cơ cấu nguồn cho công tác cán bộ, nhất là lãnh đạo nữ, lãnh đạo người đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là con em vùng đồng bào DTTS; đảm bảo diện tích rừng; an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và an ninh năng lượng…


Đồng chí Nguyễn Phi Long, UV dự khuyết BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Ngay từ đầu năm 2024 tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức, phát huy, khai thác tiềm năng lợi thế, tạo sự chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị; chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ cơ bản cho cả nhiệm kỳ và chuẩn bị nhân sự cho đại hội sắp tới. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm; tập trung hoàn thiện kết cấu hà tầng khu CN- cụm CN; đối với Nông nghiệp đã có sự liên kết để giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh; Lĩnh vực văn hóa có nhiều khởi sắc; quốc phòng, an ninh đảm bảo; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định Đảng bộ tỉnh luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy có hiệu quả nội lực xem đây là “Kim chỉ nam” để từng bước xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển xanh và bền vững.


Thủ tướng đề nghị tỉnh Hòa Bình tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" trong phát triển kinh tế xã hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả mà tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đánh giá cao báo cáo của tỉnh thẳng thắn, khách quan, kiến nghị có trọng tâm, trọng điểm. Ý kiến của lãnh đạo bộ, ngành Trung ương đã bổ sung, gợi mở định hướng phát triển; đồng thời giải đáp khó khăn, vướng mắc của tỉnh. Cùng với đó Thủ tướng cũng chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong đó nêu rõ, tăng trưởng GRDP không đạt kế hoạch; sản xuất kinh doanh gặp khó khăn; năng lực cạnh tranh chưa cao; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao, trong đó có các Chương trình MTQG, một số dự án đầu tư chậm tiến độ; quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều bất cập; hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn gây thiệt hại.

Thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, Hòa Bình thực hiện hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; hình thành không gian phát triển mới, tạo giá trị mới.

Chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" trong đó “Một trọng tâm” là: Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới.

“Hai tăng cường”: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người  là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội); Tăng cường kết nối vùng, trong nước và quốc tế.

“Ba đẩy mạnh”: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất - cung ứng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Thủ tướng yêu cầu, Hòa Bình phải luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong, đặc biệt là phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa; hình thành các vùng động lực làm đầu tàu phát triển.

Phát triển các ngành động lực để thúc đẩy tăng trưởng, tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, văn hóa bản sắc…; nông nghiệp sạch, hữu cơ, chất lượng cao.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết kinh tế, khai thác tốt vai trò kết nối vùng giữa Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng; Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược như giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, xã hội..., đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông các nguồn lực; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, vừa hình thành các doanh nghiệp lớn, vừa nâng cao năng lực cho doanh doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng.

Cùng với đó tập trung đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo, nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực cho các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh. Dành nguồn lực cho phát triển con người, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp chênh lệch phát triển trong tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển rừng và đa dạng sinh học; phát triển bền vững hài hòa theo hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.

Chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, với đà phát triển những năm qua, với sự ủng hộ, nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân, tỉnh Hòa Bình sẽ phát triển mạnh mẽ; đóng góp ngày càng tích cực vào phát triển vùng và cả nước.


Thủ tướng và Đoàn công tác của Chính phủ chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình

Thống nhất với các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành T.Ư tổng hợp báo cáo, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tỉnh. Mong muốn các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực càng thêm nỗ lực hơn, đã quyết tâm càng quyết tâm hơn, triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất đồng lòng, phát huy truyền thống, văn hoá của người Hoà Bình làm tốt nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền đề hoàn thành nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 – 2025 và những năm tiếp theo./