Mục tiêu chung: Nâng cao năng lực nội sinh, sức cạnh tranh của kinh tế địa phương thông qua đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành, lĩnh vực chủ lực; nâng cao tỷ trọng đóng góp của chỉ số TFP trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu - phát triển, kết nối chặt chẽ cơ sở nghiên cứu với cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; khơi dậy tinh thần sáng tạo và thu hút nguồn lực chất lượng cao từ trong và ngoài nước. Xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đưa hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của tổ chức, cơ quan Đảng, Nhà nước lên môi trường số, dựa trên dữ liệu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tiện ích số thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá trong cải cách hành chính, quản trị công, và phát triển bền vững. Tái cấu trúc, xây dựng hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ điện toán đám mây, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tiềm lực sáng tạo của mọi tầng lớp xã hội, thúc đẩy liên kết vùng, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ, đóng góp tích cực vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhiệm vụ và giải pháp bao gồm:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo: Ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp cho các cán bộ chuyên trách tham mưu triển khai Nghị quyết; bố trí cán bộ có trình độ, năng lực về khoa học, kỹ thuật vào cấp ủy các cấp; ban hành kế hoạch thực hiện theo giai đoạn, hằng năm của tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, cấp cơ sở,… Lồng ghép các nội dung về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong Nghị quyết và Quyết định vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo giai đoạn, hằng năm của tỉnh. Thành lập Hội đồng Tư vấn của tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (theo mô hình Hội đồng Tư vấn Quốc gia ở Trung ương), mời các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có uy tín trong và ngoài nước tham gia vào Hội đồng Tư vấn để tham mưu cho Ban Chỉ đạo kịp thời, hiệu quả. Thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp; tăng cường sự vào cuộc của các sở, ban, ngành; giao trách nhiệm, lộ trình cụ thể trong công tác triển khai thực hiện phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị, thông tin, truyền thông: Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW và các văn bản liên quan sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, đến từng cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân: Nội dung quán triệt cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW, gắn với thực tiễn của tỉnh. Hình thức quán triệt cần đa dạng, phong phú (hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn, tài liệu, video,...) cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Xây dựng tài liệu, cẩm nang về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số dưới dạng dễ tiếp cận (video clip, infographic, mạng xã hội...). Mời chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm thực tế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tham gia chia sẻ, trao đổi. Các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, phân công trách nhiệm rõ ràng, xác định thời hạn hoàn thành và chỉ tiêu đánh giá.
Đẩy mạnh truyền thông về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng: Huy động các cơ quan báo chí của địa phương, cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin các cơ quan Đảng, sở, ban, ngành và địa phương để phổ biến lợi ích của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đa dạng hóa hình thức truyền thông (báo chí, truyền hình, phát thanh, mạng xã hội...). Xây dựng kênh truyền thông chuyên biệt (chuyên trang thông tin điện tử, bản tin, chuyên mục truyền hình địa phương...) về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Xây dựng chương trình truyền thông riêng cho từng đối tượng (cán bộ lãnh đạo, chuyên viên, doanh nghiệp, người dân...). Triển khai sâu rộng phong trào “học tập số”, phong trào “bình dân học vụ số” để phổ cập, nâng cao tri thức số, tri thức về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn. Vận động Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, hiệp hội doanh nghiệp tham gia tuyên truyền; lồng ghép với phong trào thi đua yêu nước, khởi nghiệp sáng tạo. Khơi dậy các phong trào thi đua, mở rộng, đa dạng các hình thức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sáng chế, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các mô hình tiêu biểu, điển hình trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Ban hành quy tắc ứng xử trên môi trường số cho cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền về văn hóa số, đạo đức nghề nghiệp.
Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo đột phá, đảm bảo nguồn lực: Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật (các quy định về lĩnh vực đất đai, đầu tư, mua sắm công, thủ tục hành chính, sở hữu trí tuệ, thuế, tín dụng,...) thuộc thẩm quyền của tỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ số, tháo gỡ các điểm nghẽn, các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách và nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển mang tính đột phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xây dựng quy hoạch, chiến lược và các kế hoạch cụ thể để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của tỉnh giai đoạn 2025-2045, đồng bộ với quy hoạch tỉnh tầm nhìn tới 2045, tập trung cả hệ thống chính trị để thực hiện thành công các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, biến tiềm năng thành hiện thực trong thời gian sớm nhất. Tạo cơ chế, điều kiện chuyển giao công nghệ, sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới (sandbox), có kiểm soát rủi ro; tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Xây dựng quỹ phát triển khoa học - công nghệ, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp (nếu đủ điều kiện). Ưu tiên bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trọng điểm, dự án chuyển đổi số, đồng thời kêu gọi xã hội hóa (hợp tác công - tư, quỹ đầu tư mạo hiểm...).
Xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng số, ứng dụng, dịch vụ số: Chiến lược tổng thể 10 năm đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn, an ninh, có tính dự phòng. Lồng ghép chiến lược tổng thể phát triển hạ tầng số vào quy hoạch tổng thể của tỉnh. Ưu tiên phát triển hạ tầng số cho các khu vực trọng điểm (khu công nghiệp, khu công nghệ cao, đô thị thông minh...), có tính kết nối, liên thông; thúc đẩy kết nối, chia sẻ hạ tầng số giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; lồng ghép các nội dung phát triển hạ tầng số vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mở rộng phủ sóng băng thông rộng (4G, 5G, cáp quang) đến các vùng sâu, vùng xa; nâng cấp đường truyền cho cơ quan Đảng, Nhà nước, trường học, bệnh viện. Xây dựng (hoặc thuê dịch vụ) trung tâm dữ liệu và hệ thống tính toán hiệu năng cao (nếu có quy mô đủ lớn); xây dựng quy chế về chia sẻ hạ tầng số. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp và khu công nghệ cao. Công bố danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung đã ban hành. Cung cấp 100% dữ liệu mở theo kế hoạch đã ban hành. Đưa các hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước lên môi trường mạng, hướng tới hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch; công tác chỉ đạo, điều hành trực tuyến, dựa trên dữ liệu. Ứng dụng công nghệ giải quyết vấn đề môi trường, xã hội: Áp dụng giải pháp công nghệ (IoT, AI, GIS…) trong giám sát môi trường, quản lý tài nguyên, cảnh báo thiên tai. Thúc đẩy nông nghiệp thông minh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, hướng đến phát triển xanh, bền vững.
Xây dựng chiến lược tổng thể 10 năm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển: Chiến lược hình thành và phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển của tỉnh Hòa Bình: Xây dựng mới hoặc nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, vườn ươm khởi nghiệp, không gian sáng tạo; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu. Tạo điều kiện kết nối viện - trường - doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất, đời sống. Chiến lược khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Xây dựng chính sách đột phá nhằm khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ thủ tục pháp lý, văn phòng làm việc, đào tạo kỹ năng quản trị, marketing, gọi vốn... Kết nối quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần, cộng đồng cố vấn cho các dự án khởi nghiệp tại địa phương. Ưu tiên các nhiệm vụ khoa học, công nghệ giải quyết vấn đề bức thiết (nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục...). Tăng cường phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu Trung ương, quốc tế; thúc đẩy công bố khoa học, đăng ký sở hữu trí tuệ.
Các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, phòng tin học nhằm nâng cao chất lượng dạy và học
Xây dựng chiến lược 5 năm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Cụ thể hóa các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng số, kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp. Xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số (quản trị dữ liệu, sử dụng nền tảng số...) cho lãnh đạo các cấp; tổ chức các lớp tập huấn định kỳ. Tích hợp, lồng ghép nội dung chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong chương trình đào tạo chính quy, bồi dưỡng cán bộ; liên kết với doanh nghiệp công nghệ, tổ chức quốc tế để xây dựng chương trình thực hành, trao đổi chuyên gia, du học, thực tập. Có giải pháp, lộ trình tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhất là ưu tiên nguồn lực cho các lĩnh vực trọng điểm, có tính lan tỏa, tạo ra giá trị gia tăng cao. Tăng cường đào tạo về kỹ năng số, kiến thức về công nghệ mới; khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo; triển khai mô hình trường học thông minh, lớp học ảo, học liệu số; tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận công nghệ sớm. Khuyến khích các đề tài khoa học sinh viên, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, khởi nghiệp trong môi trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề. Thúc đẩy hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước; đổi mới chương trình đào tạo, hiện đại hoá phương thức đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo,... Tạo điều kiện cho sinh viên, giảng viên thực tập, nghiên cứu tại doanh nghiệp. Mời các chuyên gia, doanh nhân tham gia giảng dạy.
Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, kinh tế số cấp tỉnh: Chiến lược 5 năm thực hiện Chương trình chuyển đổi số của tỉnh và Đề án Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng. Chiến lược 5 năm triển khai các nền tảng số tích hợp, liên thông các cơ sở dữ liệu (dân cư, đất đai, doanh nghiệp,…) trên nền tảng dùng chung, tích hợp với AI, hạn chế trùng lặp, phân tán dữ liệu; xây dựng hoặc nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; đẩy mạnh xác thực điện tử, chữ ký số; xây dựng Trung tâm điều hành thông minh ở cấp tỉnh, kết nối đến cấp xã tùy điều kiện; triển khai các nền tảng số thông minh trong các ngành lĩnh vực; phát triển thanh toán số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng lực cạnh tranh; số hóa hồ sơ, tài liệu, thực hiện toàn bộ các hoạt động xử lý hồ sơ, công việc, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, các ứng dụng tiện ích chất lượng cao phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống chính trị tại địa bàn tỉnh phục vụ cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp trên môi trường số. Xây dựng chiến lược 5 năm các chương trình, đề án cụ thể.
Bảo đảm an ninh mạng và chủ quyền số: Thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Thành lập Trung tâm An ninh mạng tỉnh Hòa Bình. Xây dựng đội ngũ chuyên trách ứng cứu sự cố. Ban hành quy chế bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin quan trọng. Định kỳ kiểm tra, diễn tập phòng chống tấn công mạng. Tăng cường năng lực giám sát, cảnh báo sớm, ứng cứu sự cố an ninh mạng. Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố. Cụ thể hóa các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng, quốc tế: Hợp tác với địa phương lân cận, vùng kinh tế, doanh nghiệp, nhà khoa học. Khuyến khích kết nối với các tổ chức, quỹ, doanh nghiệp công nghệ quốc tế; thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao. Tăng cường tham gia các sự kiện, hội chợ công nghệ toàn cầu; xây dựng thương hiệu địa phương về đổi mới sáng tạo, khoa học, công nghệ. Chủ động tham gia các diễn đàn, tổ chức quốc tế, học tập kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đề xuất các sáng kiến, giải pháp hợp tác quốc tế. Ký kết các thỏa thuận hợp tác. Triển khai các dự án hợp tác cụ thể. Tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, ưu tiên các đối tác có thế mạnh về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thu hút đầu tư, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, chiến lược từ nước ngoài vào địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp của địa phương hợp tác với các đối tác nước ngoài. Tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đến địa phương làm việc, hợp tác.
Giám sát, đánh giá và tuyên truyền: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra tại Kế hoạch, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Kịp thời có các điều chỉnh về cơ chế, chính sách, văn bản quy định khi phát hiện ra các dấu hiệu có thể không đạt được các mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra. Ban hành quy chế, xây dựng cơ chế giám sát, thành lập đoàn kiểm tra định kỳ, báo cáo kết quả theo tháng, quý, 6 tháng, 1 năm. Thực hiện sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời mục tiêu, giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Công khai, minh bạch thông tin về các chương trình, chính sách hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Minh bạch quy trình phê duyệt, quản lý, sử dụng kinh phí; tạo cơ chế tự chủ hơn cho tổ chức phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò, kết quả của việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân địa phương./.