Tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Diễn biến thị trường tiếp tục ổn định, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá; các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho sản xuất, đời sống. Công tác quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tiếp tục tăng cường; thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm, thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên địa bàn. Công tác xúc tiến thương mại, thương mại điện tử và kết nối cung cầu được đẩy mạnh; đã triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,… Từ năm 2021 đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hàng năm tăng bình quân 18%, năm 2024 ước đạt 74.345 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 2.000 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu năm 2024 ước đạt 1.376 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm. Đến nay tại các cụm công nghiệp đã thu hút được 40 dự án thứ cấp với tổng diện tích đất đã cho thuê là 92,06 ha; tổng số vốn đăng ký khoảng 3.708,81 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đã thu hút dự án thứ cấp đạt 41,6%. Công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp đã giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư đạt 47,5 ha, đạt 54,6% so với kế hoạch. Về thu hút đầu tư tính đến tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 724 dự án đang hoạt động, trong đó, dự án đầu tư vào các khu công nghiệp là 110 dự án, gồm 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 420,37 triệu USD và 84 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký 15.813,69 tỷ đồng). Cụ thể có 37 dự án đầu tư vốn nước ngoài với tổng vốn khoảng 520 triệu USD và 687 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn khoảng 249.465 tỷ đồng. Ngoài ra có 35 dự án đang được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thường xuyên nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đẩy mạnh rà soát, thu hồi các dự án chậm tiến độ để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng vào tỉnh. Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang loại hình doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật lên website thông tin, dữ liệu, tình hình hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh. Các dự án đầu tư xây dựng các trung tâm, tổ hợp thương mại - dịch vụ, cửa hàng bán buôn, bán lẻ xăng dầu và các dịch vụ khác được đi vào hoạt động kinh doanh đã góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của nhân dân, tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị và ngày càng đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng chung của tỉnh. Các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn có mục tiêu hoạt động phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng du lịch của địa phương, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Hòa Bình. Ngoài các dự án đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái tại khu vực lòng hồ Hòa Bình, trên địa bàn thành phố Hòa Bình có một số dự án đầu tư xây dựng khách sạn tại các vị trí có tầm nhìn đẹp, thuận lợi cho kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật, tuy nhiên chậm triển khai. Các dự án này đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu lưu trú, nghỉ dưỡng của khách du lịch với các khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 2 sao trở lên; công suất phục vụ dự kiến đạt từ 200-600 người/ngày đêm/cơ sở lưu trú; dự kiến sử dụng từ 50-300 lao động/dự án trong giai đoạn vận hành. Các dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng tỷ trọng phát triển ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh; thúc đẩy các ngành dịch vụ khác cùng phát triển và góp phần phát triển thương mại trong nước.
Để phát huy kết quả đạt được trong những năm qua và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tăng cường đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam, góp phần giữ vững ổn định sản xuất, bảo đảm sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh Hoà Bình. Tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về cơ chế, chính sách cho phát triển thương mại. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, tín dụng, thuế, đất đai,… Thu hút đầu tư vào các cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhằm nâng cao giá trị, đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí hậu cần trong bảo quản, vận chuyển. Tiếp tục mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trong nước, kích cầu mua sắm trong bối cảnh tiết chế tiêu dùng trong nước và quốc tế thời gian qua. Thị trường và tiêu thụ hàng hóa phải tạo động lực để gia tăng sản xuất, tạo tiền đề thúc đẩy chu trình tái sản xuất, phục hồi xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng;
Duy trì, cập nhật Sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá và phân phối các sản phẩm, hàng hoá đặc trưng của các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa nói riêng đến với khách hàng trong cả nước và nước ngoài. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trên thị trường khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm,… đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn đặc điểm sản phẩm. Phòng, chống và xử lý kịp thời hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hoạt động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại đặc biệt là trên không gian mạng và trong hoạt động thương mại điện tử, gây thất thu ngân sách nhà nước và thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường tập trung vào các nội dung như phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; khai thác và sử dụng có hiệu quả bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo về xúc tiến đầu tư mà thành phần tham dự là các nhà đầu tư và tài trợ trong và ngoài nước. Thông qua đó giới thiệu các danh mục dự án kêu gọi đầu tư làm căn cứ cho các nhà đầu tư nghiên cứu, xem xét lựa chọn dự án để thực hiện. Thực thi toàn diện các cam kết về dịch vụ phân phối theo Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, nhất là các FTA thế hệ mới. Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh hàng hóa đặc biệt là hàng hóa xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo yêu cầu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế./.