DetailController

Văn hóa

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình

31/07/2024 16:18
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Sau 03 năm triển khai thực hiện NQ số 04, đến nay đã có 05/10 mục tiêu đạt chỉ tiêu; 01 mục tiêu vượt chỉ tiêu; 04 mục tiêu chưa đạt theo chỉ tiêu của Nghị quyết đến năm 2025.
Lễ hội Đu Vôi, huyện Lạc Sơn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường

Thực hiện NQ số 04, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch để phối hợp với các tỉnh, thành phố có người Mường như: Phú Thọ, Thanh Hóa, Sơn La, Ninh Bình, Đắk Lắk và thành phố Hà Nội xây dựng Bộ hồ sơ khoa học quốc gia về di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo lập Hồ sơ quốc gia di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa Mo Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và các tỉnh, thành phố có liên quan. Phối hợp với các tỉnh, các đơn vị tổ chức các hội thảo về chủ đề Mo Mường, thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của di sản văn hóa “Mo Mường và những hình thức tín ngưỡng tương đồng trên thế giới”; đồng thời khuyến nghị những định hướng và giải pháp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Mo trong đời sống của người Mường và trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Ngày 31/3/2024, Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Mo Mường đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đệ trình hồ sơ đến tổ chức UNESCO để xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc Hòa Bình, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả nhất định. Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức lập hồ sơ di sản “Tri thức dân gian Lịch Đoi (Lịch Tre) dân tộc Mường”, “Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” và “Tập quán và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái, huyện Mai Châu” trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản phi vật thể quốc gia của tỉnh Hòa Bình lên 5 di sản. Hiện nay, tỉnh cũng đã hoàn thiện 02 bộ hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là: “Hát Thường đang, Bộ mẹng dân tộc Mường” và “Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới. Trong hai năm 2022 - 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo tiến hành kiểm kê 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại các huyện Tân Lạc và Yên Thủy; Tổ chức tập huấn, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống Truyện cổ dân gian dân tộc Mường tại huyện Lạc Sơn.

Trước những nguy cơ mai một của các loại hình di sản văn hóa dân tộc về tiếng nói, chữ viết, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn chữ viết của các dân tộc Thái, Tày, Dao, Mông. Đặc biệt là Bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được Ủy ban nhân dân tỉnh phê chuẩn năm 2016. Trong giai đoạn 2021 - 2024, từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức gần 20 lớp tập huấn, truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh. Mở các lớp dạy chữ dân tộc Thái, Tày, Dao, Mường cho các nghệ nhân, cán bộ công chức văn hóa - xã hội tại cơ sở;... biên soạn xuất bản, phát hành các ấn phẩm giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Việc đầu tư xây dựng mô hình làng, bản văn hóa truyền thống dân tộc tại các địa phương trong tỉnh hướng đến sản phẩm du lịch văn hóa mang tính đặc thù, trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Một số mô hình làng, bản văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch có hiệu quả tiêu biểu như: Bản Lác, Bản Văn, Bản Poom Coọng, Bản Bước, Bản Hịch huyện Mai Châu; Xóm Đá Bia, Xóm Ké, Xóm Sưng huyện Đà Bắc; Xóm Ngòi, Xóm Chiến huyện Tân Lạc;...

Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Hòa Bình được quan tâm, khích lệ. Qua 3 lần xét tặng vào các năm 2015, 2018, 2022 toàn tỉnh hiện có 45 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu gồm: 01 nghệ nhân Nhân dân và 44 Nghệ nhân Ưu tú, trong đó nghệ nhân là người dân tộc thiểu số chiếm 94% góp phần tôn vinh, động viên, khích lệ những người đang nắm giữ và thực hành các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc để tích cực tham gia công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số Hòa Bình. Bên cạnh đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 1.482 đội văn nghệ ở các thôn, xóm, tổ dân phố được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên; ngày càng nhiều các câu lạc bộ hát dân ca, dân vũ, dân nhạc trên địa bàn tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động ổn định, góp phần bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc Hòa Bình. Các lễ hội dân gian truyền thống được quan tâm phục dựng, tổ chức với quy mô ngày càng lớn hơn nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút khách du lịch.

Nhìn chung, sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Việc triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Nhiều mô hình câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc được thành lập và nhân rộng tại các địa phương và cơ sở. Các thành tố văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa ngày càng được quan tâm đầu tư, ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định về nếp sống văn hoá ở khu dân cư ngày càng được nâng cao. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở và khu dân cư được đầu tư và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng,... Việc lập hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân cho người nắm giữ và thực hành di sản được quan tâm thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, qua đó tạo động lực thúc đẩy, khích lệ Nhân dân thi đua xây dựng nếp sống văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên chính quê hương của mình góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương, đơn vị. Các di tích được quan tâm tu bổ, tôn tạo và khai thác vào hoạt động du lịch; một số di tích lịch sử cách mạng sau khi được tu bổ khang trang phục vụ công tác đối ngoại của tỉnh và trở thành địa chỉ đỏ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc trong Nhân nhất là đối với thế hệ trẻ./.