DetailController

Thông báo, Hướng dẫn

Triển khai giải đáp khó khăn, vướng mắc lĩnh vực Nội vụ trong thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06/CP

11/07/2023 16:02
Ngày 10/7/2023, Sở Nội vụ đã ban hành Công văn số 2380 về việc triển khai giải đáp khó khăn, vướng mắc lĩnh vực Nội vụ trong thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06/CP. Sở Nội vụ đề nghị các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quán triệt, phố biến nội dung giải đáp khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực Nội vụ tại Văn bản số 4442/TCTTKĐT ngày 22/6/2023 của Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP đến toàn thể công chức, viên chức thuộc quyền quản lý, cụ thể:

Câu hỏi 1: Cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ quan Nhà nước còn thiếu, nhất là cán bộ, chuyên gia về lĩnh vực an toàn an ninh thông tin, chuyển đổi số; công tác đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp chưa thường xuyên. Chưa có cơ chế đặc thù, chế độ chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06/CP ở địa phương?

Trả lời: Tại khoản 5, mục III, Nghị quyết số 52-NQ/TW1 nêu một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có nội dung: “Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số...”. Đồng thời, để triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021, Đề án 06/CP3 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong đó giao Bộ Nội vụ: “Tham mưu có cơ chế về vị trí việc làm, đào tạo, chế độ chính sách đối với lực lượng thực hiện Đề án 06/CP nói chung, thực hiện công tác quản trị hệ thống, đảm bảo an ninh an toàn thông tin...”. Bộ Nội vụ đã có văn bản báo cáo, đề xuất và được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đồng ý bổ sung nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định vào Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ và xây dựng dự thảo Nghị định theo quy định tại mục 2, Chương V, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Chính phủ trong tháng 10/2023. Để chủ động xây dựng Nghị định, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 1987/BNV-CCVC ngày 28/04/2023 và Công căn số 2357/BNV-CCVC ngày 19/5/2023 đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và một số Bộ, ngành, địa phương phối hợp trong quá trình xây dựng Nghị định, bảo đảm trình Chính phủ trong tháng 10/2023.

Câu hỏi 2: Theo quy định cán bộ tại Bộ phận Một cửa khai thác dữ liệu đã có trên các hệ thống được chia sẻ (Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cổng dịch vụ công quốc gia) để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và chuyển vào hồ sơ TTHC điện tử cho tổ chức, cá nhân, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn việc lưu trữ sau khi tra cứu và lấy thông tin công dân, gây lúng túng cho cán bộ trong trường hợp có thanh, kiểm tra việc xử ly hồ sơ TTHC?

Trả lời: Bộ Nội vụ đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để nghiên cứu, chỉnh sửa quy định lưu trữ cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Câu hỏi 3: Bộ Nội vụ có Thông tư hướng dẫn về lưu trữ điện tử trên và quy chuẩn kỹ thuật kết nối chia sẻ dữ liệu lưu trữ điện tử giữa hiện thống quản lý văn bản và điều hành với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.

Trả lời: Hiện nay, việc lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử được thực hiện theo Hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Thực hiện Văn bản số 3833/VPCP-KSTTHC ngày 29/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử và chuẩn bị gửi xin ý kiến góp ý của các cơ quan Trung ương, địa phương đối với nội dung dự thảo Thông tư. Theo quy định việc chỉ đạo quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ các Bộ, ngành, địa phương thuộc trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin.

Câu hỏi 4: Hiện nay, chưa có Thông tư hướng dẫn lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử, đặc biệt khi sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế sổ hộ khẩu giấy, nên gặp vướng mắc: Quy trình tiếp nhận, giải quyết TTHC không hoàn toàn tương đồng với quy trình xử lý văn bản mà có sự chuyển đổi liên tục giữa Bộ phận văn thư và Bộ phận Một cửa, đặc biệt trường hợp nhóm TTHC liên thông thì có sự tham gia của nhiều cơ quan để giải quyết và lưu trữ hồ sơ. Phạm vi áp dụng của Thông tư số 02/2019/TT-BNV không quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào đối với hồ sơ là hồ sơ điện tử; các trường thông tin dữ liệu đầu vào tại Thông tư này cũng chưa phù hợp với hồ sơ TTHC như thiếu mã, tên TTHC; lĩnh vực TTHC. Theo quy định cán bộ tại Bộ phận Một cửa khai thác dữ liệu đã có trên các hệ thống được chia sẻ (Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cổng dịch vụ công quốc gia) để giải quyết TTHC và chuyển vào hồ sơ TTHC điện tử cho tổ chức, cá nhân, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn việc lưu trữ sau khi tra cứu và lấy thông tin công dân, gây lúng túng cho cán bộ trong trường hợp có thanh, kiểm tra việc xử lý hồ sơ TTHC. Vấn đề lưu trữ hồ sơ điện tử là vấn đề rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, khi các giấy tờ, tài liệu được quản lý dưới dạng điện tử; tuy nhiên, việc thực hiện lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử đến nay vẫn còn một số khó khăn, là: Chưa có quy định hướng dẫn thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ hồ sơ điện tử (như xác định giá trị, lập hồ sơ, thu thập, bảo quản, sử dụng, tiêu hủy tài liệu,...); Chưa có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật kết nối để hướng dẫn thống nhất cho các bộ, ngành, địa phương đối với việc chia sẻ lưu trữ dữ liệu giữa các hệ thống như Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.

Trả lời: Bộ Nội vụ đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, chỉnh sửa hướng dẫn cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Đề nghị các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu, phổ biến, triển khai thực hiện./.