DetailController

Công khai ngân sách nhà nước

Năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.070 tỷ đồng

09/12/2021 00:00
Ngay từ đầu năm 2021, công tác quản lý và điều hành ngân sách được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đon đốc việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế… được tăng cường.
Các doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.070 tỷ đồng, bằng 116% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa 4.670 tỷ đồng, bằng 112% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 97% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; thu xuất nhập khẩu 400 tỷ đồng, bằng 200% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 160% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, bằng 134% so với cùng kỳ năm trước.

Thu ngân sách địa phương ước đạt 14.380 tỷ đồng, bằng 121% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 115% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, bằng 101% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu được hưởng theo ngân sách cấp 4.056 tỷ đồng; thu bổ sung từ ngân sách cấp trên 8.431 tỷ đồng; thu chuyển nguồn 1.573 tỷ đồng; thu kết dư ngân sách 130 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 14.255 tỷ đồng, bằng 120% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 114% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, bằng 99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi cân đối ngân sách địa phương 10.837 tỷ đồng; chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu 1.748 tỷ đồng; chi chuyển nguồn sang năm sau 1.550 tỷ đồng.

Nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh được giao đầu năm 84 tỷ đồng, đến nay đã sử dụng 68,7 tỷ đồng, bằng 81,7% dự toán giao; trong đó, chi phòng, chống dịch Covid-19 là 53,5 tỷ đồng, hỗ trợ nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là 3,5 tỷ đồng.

Năm 2022, tỉnh tổ chức, điều hành dự toán ngân sách Nhà nước linh hoạt, chủ động, chặt chẽ, đảm bảo đúng dự toán được giao. Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác hiệu quả nguồn thu, triển khai các biện pháp chống thất thu; chú trọng các nguồn thu từ đất và khai thác các nguồn thu tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; quản lý chặt chẽ việc bán đấu giá tài sản Nhà nước. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, tăng cường công tác đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra, chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại… Cơ cấu các khoản chi ngân sách Nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên chi ngân sách cho đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các khoản chi tiêu ngân sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng. Quản lý chặt chẽ các quỹ ngoài ngân sách, kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vat, trả nợ vay.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh mẽ dịch vụ tài chính, ngân hàng, thực hiện các giải pháp chuyển đổi nền kinh tế tiền mặt sang nền kinh tế không dùng tiền mặt, giảm chi phí xã hội của việc thanh toán và lưu thông tiền mặt. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, góp phần ngăn chặn tín dụng đen. Phấn đấu nguồn vốn huy động tại địa phương tăng trên 15%; dư nợ tín dụng tăng khoảng 12% so với năm 2021. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt, giảm, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công đối với các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp./.