Kế hoạch vốn Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) được giao đến nay là 4.523 tỷ đồng (trong đó kế hoạch vốn năm 2023 là 4.518 tỷ đồng; năm 2024 là 5 tỷ). Đến thời điểm hiện nay Dự án đã giải ngân được 95,2 tỷ đồng (trong đó năm 2023 là 39,26 tỷ đồng và năm 2024 là 55,9 tỷ đồng). Dự kiến đến 31/12/2024 sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã bố trí cho Dự án là 4.650 tỷ đồng (trong đó giá trị tạm ứng cho xây lắp theo quy định tối đa khoảng 4.360 tỷ đồng và khoảng 290 tỷ đồng cho các phí phí còn lại như công tác giải phóng mặt bằng, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác).
Công tác lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình), Uỷ ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bước xây lắp tại Quyết định số 1381/QĐ-UBND ngày 25/7/2024. Công tác lập thiết kế kỹ thuật đoạn từ Km19+000-Km40+750 (từ đầu tuyến đến đầu Cầu Hòa Sơn) chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ và trình thẩm định, đã có ý kiến thẩm định hồ sơ thiết kế của Cục đường Cao tốc Việt Nam; các đơn vị đã hoàn thiện rà soát và trình hồ sơ chỉnh sửa theo ý kiến các đơn vị. Đoạn từ Km41+989-Km53+000 (sau cầu Hòa Sơn) chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác thiết kế và dự toán xây dựng công trình. Cầu Hòa Sơn chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát. Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác thiết kế và dự toán xây dựng công trình (dự kiến đến ngày 20/8/2024 sẽ hoàn thành và trình thẩm định).
Về công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, đối với địa phận huyện Đà Bắc, đã thực hiện xong công tác kiểm đếm đoạn từ Km24+300-Km32+500 (khoảng 8Km) khu vực thị trấn Đà Bắc và xã Cao Sơn theo Thông báo thu hồi đất số 48/TB-UBND ngày 04/5/2024 (thu hồi khoảng 456.905,5 m2; không bao gồm đất trồng lúa, đất rừng sản xuất và đất rừng phòng hộ). Đối với địa phận huyện Mai Châu, đã thực xong công tác kiểm đếm theo Thông báo thu hồi đất số 2221/TB-UBND ngày 27/6/2024 (thu hồi khoảng 253.787,8 m2; không bao gồm đất trồng lúa, đất rừng sản xuất và đất rừng phòng hộ). Hiện nay, Uỷ ban nhân các huyện Mai Châu đang triển khai kiểm tra, rà soát và lập phương án công khai niêm yết đối với các tổ chức cá nhân hộ gia đình bị ảnh hưởng khi nhà nước thu hồi đất. Đối với địa phận huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La (đoạn từ Km50+900 - Km53+000) phần giải phóng mặt bằng tuyến đường trên địa phận tỉnh Sơn La từ Km50+900 - Km53+000 nằm trong Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thuộc địa phận huyện Vân Hồ thuộc dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La (đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 277/NQ-HĐND ngày 19/12/2023). Uỷ ban nhân dân huyện Vân Hồ sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Dự án đã cập nhật đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Hòa Bình (cho phương án 04 làn xe) tại Nghị quyết số 280/NQ-HĐND ngày 29/8/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình. Đối với Hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Văn bản số 1243/UBND-KTN ngày 30/7/2024 về việc bổ sung hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để thực hiện dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000-Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình) theo ý kiến của Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất - Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 1472/QHPTTNĐ-PGĐCTĐ ngày 15/7/2024. Đối với Hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chủ đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định tại Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ và trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện Dự án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do đặc thù của Dự án đi qua địa hình đồi, núi khó khăn và hiểm trở, điều kiện địa chất phức tạp; Dự án thiết kế xây dựng 01 cầu dây văng cấp đặc biệt (cầu Hòa Sơn có nhịp chính dây văng lớn nhất Việt Nam dài 550m), 03 hầm qua núi, 06 cầu có trụ cao trên 50m và khoảng 5.558m cầu cạn, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện. Công tác đo đạc bản đồ giải thửa còn gặp nhiều khó khăn, khi thực hiện quy chủ thửa đất trích đo các hộ cung cấp không kịp thời các thông tin, tài liệu, căn cứ pháp lý về quyền sử dụng đất; diện tích giữa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích trích đo thực tế có sự sai lệch; một số hộ đi làm ăn xa không quy chủ được thửa đất dẫn đến công tác xác định nguồn gốc, loại đất, đối tượng sử dụng đất gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh Hòa Bình tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ; xây dựng định mức dự toán mới… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư./.