DetailController

Kinh tế

Triển khai thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030

22/02/2024 16:30
Ngày 22/02/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 257/UBND-KTTH về việc triển khai thực hiện Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 về phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030.

Nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 về Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030, Ủy ban nhân tỉnh Hòa Bình đề nghị các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 (Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 sao gửi kèm) và tập trung một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm sau:

Mục tiêu cụ thể: Thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính do NHCSXH cung cấp; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ; hằng năm (giai đoạn 2025-2030) ngân sách địa phương ủy thác nguồn vốn để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm khoảng 15-20% (170 tỷ đồng) tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của chi nhánh NHCSXH tỉnh, Phòng giao dịch cấp huyện và đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15% (1.200 tỷ đồng) tổng nguồn vốn; nâng cao chất lượng, hiệu lực hệ thống kiểm tra giám sát nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội; thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của NHCSXH.

Tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (gọi tắt là Chỉ thị số 40-CT/TW), Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (gọi tắt là Kết luận số 06-CT/TW), Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 29/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW (gọi tắt là Quyết định số 1630/QĐ-TTg); Kết luận số 211-KL/TU, ngày 09/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 26/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về thực hiện Kết luận số 211-KL/TU, Kết luận số 8017/TB-VPUBND ngày 22/9/2022 tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đến các tổ chức, cơ sở đảng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội.

Xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng thực hiện chủ trương chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương về tăng trưởng kinh tế đi đôi với công bằng xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là vai trò của người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Tăng cường nguồn lực cho chi nhánh NHCSXH tỉnh để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn: hằng năm bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn ngân sách cân đối của địa phương, bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên ủy thác cho NHCSXH giai đoạn 2025-2030 để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức CT-XH nhận ủy thác, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo an sinh xã hội. Thường xuyên kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ Tiết kiệm và vay vốn, năng lực cho đội ngũ cán bộ Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các nội dung công việc được NHCSXH ủy nhiệm. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã; tập trung nhân lực, trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo giao dịch an toàn, hiệu quả; làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi và đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, năng lực quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách cho đội ngũ cán bộ NHCSXH và đơn vị có liên quan; công khai đầy đủ, kịp thời chủ trương chính sách tín dụng xã hội tại Điểm giao dịch xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình nghiệp vụ, hoạt động tín dụng chính sách đối với NHCSXH nơi cho vay, nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống NHCSXH.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, NHCSXH tỉnh, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định việc bố trí vốn ngân sách cân đối của địa phương cấp tỉnh bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên ủy thác qua NHCSXH tỉnh: hằng năm (giai đoạn 2025-2030) chiếm khoảng 20% (100 tỷ đồng) tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của NHCSXH tỉnh, đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 10% (800 tỷ đồng) tổng nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 và chuẩn nghèo các giai đoạn tiếp theo để làm căn cứ cho việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn, cơ chế đặc thù về ủy thác vốn ngân sách địa phương qua hệ thống NHCSXH của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân đối, ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách của địa phương cấp tỉnh, bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên ủy thác cho chi nhánh NHCSXH tỉnh: hằng năm (giai đoạn 2025-2030) chiếm khoảng 20% (khoảng 100 tỷ đồng) tăng trưởng dư nợ tín dụng chung, đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 10% (khoảng 800 tỷ đồng) tổng nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh ủy thác qua NHCSXH hằng năm (giai đoạn 2025-2030) theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; hằng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung và kịp thời chuyền vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh từ nguồn chi thường xuyên ủy thác qua NHCSXH tỉnh theo Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 26/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, Kết luận số 8017/TB-VPUBND ngày 22/9/2022 và kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt để cho vay trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các Phòng chức năng xây dựng dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc bố trí vốn ngân sách cân đối của địa phương cấp huyện ủy thác qua NHCSXH hằng năm (giai đoạn 2025-2030) chiếm khoảng 15% (khoảng 70 tỷ đồng, cụ thể của từng đơn vị cấp huyện theo dư nợ từng huyện) tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của NHCSXH cấp huyện trên địa bàn, đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 5% (khoảng 400 tỷ đồng, cụ thể của từng đơn vị cấp huyện theo dư nợ từng huyện) tổng nguồn vốn của NHCSXH cấp huyện trên địa bàn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt. Hằng năm cân đối, ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cấp huyện ủy thác sang NHCSXH cấp huyện theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân cùng cấp, nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất, … nhằm nâng cao năng lực hoạt động NHCSXH trên địa bàn. Chỉ đạo các Phòng chuyên môn, đơn vị liên quan tổ chức rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn làm căn cứ vay vốn NHCSXH; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, … đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận, từng bước nâng cao hiệu quả sử vốn tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, sự tham gia, giám sát của Trưởng cấp thôn trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục tổ chức tốt cuộc vận động “Vì Người nghèo”, gửi vào NHCSXH để có thêm nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo.

Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) các cấp trong tỉnh nâng cao vai trò, thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của NHCSXH, đảm bảo quản lý tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chú trọng làm tốt công tác nhận diện, xác nhận đối tượng vay vốn, kiểm tra giám sát và hướng dẫn sử dụng vốn vay có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội./.