DetailController

Kinh tế

Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ

22/11/2023 15:18
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 11/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hoà Bình năm 2023 với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng ngành, lĩnh vực và giao chi tiết cho các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố triển khai thực hiện, gồm: 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trọng tâm, chủ yếu năm 2023; 47 chỉ tiêu cụ thể cho các ngành, lĩnh vực; 159 nhiệm vụ cụ thể cho các ngành lĩnh vực; kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Năm 2023, các ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn dần ổn định và có mức tăng trưởng

Kết quả về tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 0,38% so với cùng kỳ năm trước, không đạt kế hoạch đề ra. Trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,17%; công nghiệp – xây dựng giảm 4,76% (riêng công nghiệp giảm 7,62%); dịch vụ tăng 5,23%; thuế sản phẩm giảm 1,11%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 22,39%; công nghiệp - xây dựng 38,16%; dịch vụ 34,25%; thuế sản phẩm 5,2%.

Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới: Diện tích gieo trồng cây hằng năm ước đạt 117 nghìn ha, đạt 100% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt ước đạt 68,72 nghìn ha, đạt 98,2% so với kế hoạch và bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2022. Diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh đạt 10,24 nghìn ha trong đó diện tích kinh doanh đạt 9,17 nghìn ha; sản lượng niên vụ 2022-2023 ước đạt 21 vạn tấn; tiếp tục triển khai Đề án tái canh cây ăn quả có múi; tăng cường cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm phục vụ mở rộng thị trường. Đến ngày 31/10/2023 toàn tỉnh đã dồn điền đổi thửa được 4.407,8 ha, lũy kế đến hết năm 2023 ước đạt 4.608 ha. Bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm từ 37-50% tại các địa phương triển khai thực hiện. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao (như: ngô, bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, mía....). Đến nay toàn tỉnh chuyển đổi được khoảng 2.500 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác. Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh; tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất lúa và cây màu đạt trên 90%, các biện pháp tưới chủ động, tiên tiến, tiết kiệm nước được áp dụng phổ biến và rộng rãi tại các địa phương. Xây dựng và thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương kết nối với các doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trồng trọt. Hỗ trợ cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các cơ sở có nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực và lợi thế của tỉnh giai đoạn 2023-2030; đề án thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản chủ lực của tỉnh.

Tình hình chăn nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh. Các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh ổn định; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật được triển khai đồng bộ, đúng quy định. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn tiếp tục xuất hiện tại một số xã, phường, phải tiêu hủy trên 470 con ốm, chết. Dịch bệnh lở mồm, long móng đã xảy ra tại 8 xã của 3 huyện tuy nhiên đã kịp thời được kiểm soát, khống chế và dập tắt, không để lan rộng. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm. Dự kiến năm 2023, duy trì độ che phủ của rừng đạt 51,69%; khai thác ước đạt 700 nghìn m3 gỗ rừng trồng tập trung và 17 nghìn m3 gỗ cây phân tán; trồng rừng tập trung ước đạt 9,26 nghìn ha và 906 nghìn cây phân tán. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp. Duy trì công tác thường trực phòng chống cháy rừng. Công tác quản lý các trại gây nuôi sinh trưởng, sinh sản động vật hoang dã, quản lý các cơ sở chế biến lâm sản tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, đảm bảo đúng quy định. Duy trì diện tích được cấp chứng chỉ rừng hiện có, tiếp tục thúc đẩy tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh.

Duy trì tăng trưởng và chuyển dịch ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ; đến nay, toàn tỉnh có 2,7 nghìn ha diện tích mặt nước, 4,9 nghìn lồng nuôi cá. Sản lượng thu hoạch cả năm ước đạt 12,2 nghìn tấn. Các cơ sở sản xuất cá giống đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho các địa phương. Làm tốt công tác kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường thủy sản, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất thủy sản theo hướng nuôi trồng các loại thủy đặc sản, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế lòng hồ Hòa Bình, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.

Công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản được đẩy mạnh. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu. Tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và hỗ trợ tem truy xuất nguồn sản phẩm..; thanh tra việc chấp hành các quy định về ATTP trong chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản. Đã giới thiệu, kết nối cho 66 lượt cơ sở tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nông sản; hỗ trợ kích hoạt 141.200 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đưa ra thị trường. Đẩy mạnh triển khai các chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông sản của tỉnh; đến nay đã có 07 doanh nghiệp/HTX sơ chế, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản thực hiện xuất khẩu sản phẩm sang thị trường nước ngoài (Nhật bản, Trung Quốc, Vương Quốc Anh và thị trường EU...).

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến 31/10/2023 có 73 xã đạt chuẩn nông thông mới, đạt 56,6%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu; có 114 sản phẩm OCOP với 22 sản phẩm đạt hạng 4 sao; có 92 sản phẩm đạt hạng 3; có 50 sản phẩm đăng ký tham gia chu trình OCOP. Dự kiến trong năm có thêm 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2023 toàn tỉnh là 79 xã (bằng 61,24% tổng số xã); bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; có thêm 16 sản phẩm sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: năm 2023, các ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn dần ổn định và có mức tăng trưởng. Sản lượng các nhóm công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng có xu hướng tăng trở lại, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Cụ thể: Sản phẩm may mặc tăng 10%; Sản phẩm gạch tăng 5,01%; Xi măng tăng 5%; Sản phẩm điện tử tăng 3%; Kết cấu thép tăng 3%. Tuy nhiên ngành điện gặp nhiều khó khăn do thời tiết khô hạn kéo dài, lưu lượng nước hồ Hoà Bình thấp, sản lượng điện của Công ty Thuỷ Điện Hoà Bình ước đạt 8,5 tỷ KWh bằng 90,4% so với kế hoạch được giao. Ước năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,5% đến 5% so với cùng kỳ.

Năm 2023, thị trường hàng hóa phục hồi tích cực; các hoạt động trao đổi mua bán trên thị trường sôi động, nhất là các mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm, hàng may mặc tăng mạnh trong dịp nghỉ lễ, tết. Nguồn cung các mặt hàng ổn định đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tổ chức thực hiện Chương trình bình ổn giá trên địa bàn tỉnh, có 05 doanh nghiệp tham gia chương trình, với tổng số tiền doanh nghiệp tự bình ổn là 52,7 tỷ đồng (tăng 12% so với năm trước). Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đặc biệt là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; triển khai Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia nhân ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4/2023; tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu trên địa bàn và các địa phương khác trong cả nước; và triển khai nhiều chương trình, khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng; Thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường tuyên truyền, vận động các đơn vị tham gia giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 18.500 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.695,069 triệu USD, tăng 17,94% so với cùng kỳ, đạt 100,04% kế hoạch năm; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.229,165 triệu USD, tăng 12,02% so với cùng kỳ, đạt 100,01% kế hoạch năm.

Hoạt động du lịch tiếp tục đà phục hồi, trong 9 tháng năm 2023 có 3,2 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh (trong đó khách quốc tế là 320.000 lượt) tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 91,4% kế hoạch năm; Tổng thu từ du lịch ước đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79,5% kế hoạch năm 2023.  

Các loại hình dịch vụ khác như vận tải, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khám chữa bệnh,... tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.../.