DetailController

Kinh tế

Kết quả sau 03 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/TU về “Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí dậu giai đoạn 2021-2025”

24/10/2023 16:30
Trong 03 năm qua, Đề án số 02-ĐA/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có những chỉ đạo kịp thời để tạo ra những chuyển biến trong phát triển kết cấu hạ tầng thông qua những hành động cụ thể. Nhiều công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng từng bước được triển khai thực hiện theo hướng tập trung, đẩy nhanh tiến độ để sớm đi vào khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả sử dụng. Năng lực kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể, từng bước đảm bảo kết nối đồng bộ, hiện đại, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hạ tầng, dịch vụ xã hội, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến năm 2023, việc đầu tư kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra hằng năm và các chỉ tiêu tại Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 28/02/2022 của Ban chỉ đạo đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình – Mộc Châu) - một trong số các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh

Về hạ tầng giao thông đường bộ, toàn tỉnh hiện có tổng số khoảng 10.990 km đường bộ. So với năm 2021, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn tỉnh tăng 243km, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa tăng 22%. Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư triển khai thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình và đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước; dự án Cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 đến Km53 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình); dự án: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu); Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối QL 6; Dự án: Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Nội (giai đoạn 1); Dự án: Đường Quang Tiến - Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình (giai đoạn 1); Dự án “Kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia” sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc …Một số công trình đã được khởi công và đang trong giai đoạn chuẩn thi công xây dựng. Đến nay, tỉnh Hòa Bình đã nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường xã, đường từ trung tâm xã đạt 88%, vượt kế hoạch đề ra đến năm 2025; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường trục thôn, bản đường liên thôn, bản đạt 71,6%; tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường ngõ, xóm đạt 60,53%; tỷ lệ nhựa hóa, tông hóa đường trục chính nội đồng đạt 18,08%.

Về hạ tầng cung cấp điện, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 11 dự án thủy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 1.958MW, hàng năm cung cấp cho hệ thống lưới điện Quốc gia khoảng 10 tỷ kWh. Tỉnh Hòa Bình hiện đang được cấp điện từ hệ thống điện quốc gia qua 08 trạm biến áp 110kV với 13 máy biến áp, tổng công suất 439MVA. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023 hạ tầng cấp điện luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp cải tạo nhằm đáp ứng xây dựng hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của tỉnh, đáp ứng mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Về hạ tầng thủy lợi, tỉnh Hòa Bình đã có 1.915 công trình và hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố bằng nhiều nguồn vốn đang hoạt động phục vụ sản xuất cấp nước tưới chủ động phục vụ cho các vụ sản xuất. Có tổng số 3.723,3 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá được 2.125,5 km, tương ứng với 57,1%. Tính đến năm 2023, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt mức 95,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt mức 50,25%. Hệ thống đê điều liên tục được xây mới, nâng cấp và mở rộng trong những năm gần đây và ngày càng kiên cố.

Từ năm 2021 đến nay, kết cấu hạ tầng các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng từng bước được đầu tư. tính đến hết Quý II năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Hòa Bình đạt ở mức 33,42%. Một số tuyến giao thông quan trọng mới được hình thành tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp và đô thị, đồng thời giúp cho mọi người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối trong và ngoài tỉnh cũng như tiếp cận các hoạt động kinh tế xã hội khác. Tỷ lệ người dân thành thị được sử dụng nước sạch là 92%.

Về hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp tại các khu công nghiệp đã được  thành lập, có chủ đầu tư hạ tầng năm 2022 đạt 46,77% diện tích đất công nghiệp được quy hoạch. Trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến bổ sung mới 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.300,89ha, điều chỉnh mở rộng 07 cụm công nghiệp tăng tổng diện tích là 421,05ha, điều chỉnh 01 cụm công nghiệp giảm diện tích còn 32,59ha, dự kiến đưa ra khỏi quy hoạch 07 CCN với tổng diện tích 117,585ha. Tổng số cụm công nghiệp hiện có và bổ sung tích hợp vào Quy hoạch tỉnh là 38 CCN với tổng diện tích đất là 2.273,53 ha. Từ năm 2020 đến nay, đã tham mưu quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 23 dự án trong cụm với tổng mức đầu tư 2.514,32 tỷ đồng, nâng tổng các dự án thứ cấp trong cụm công nghiệp lên 36 dự án; Tổng số vốn đăng ký khoảng 3.114,2 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt 40,2%.

Hệ thống hạ tầng thương mại phát triển nhanh góp phần phát triển thị  trường đa dạng, các phương thức, mô hình kinh doanh trên thị trường được đổi mới, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và hội nhập... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Hiện nay trên địa bàn có 03 trung tâm thương mại, 07 siêu thị đồng thời phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh…

Hạ tầng thông tin truyền thông, khoa học công nghệ được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển mọi lĩnh vực theo hướng nhanh, bền vững, mang lại lợi ích chung cho người dân và doanh nghiệp, các cơ quan chính quyền. Hạ tầng giáo dục đào tạo tiếp tục đầu tư phát triển từ nguồn lực của các thành phần kinh tế. Công tác đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia tiếp tục được quan tâm, tỉnh Hòa Bình hiện có 309 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 59,54%, trong đó, giáo dục mầm non có 141 trường đạt 63,06%; cấp tiểu học có 20 trường đạt 71,4%; cấp THCS có 138 trường đạt 62,16%, cấp THPT có 10 trường đạt 21,3%. So với mục tiêu Đề án tỷ lệ đã đạt chuẩn trước thời gian quy định.

Trong 3 năm qua, ngành Y tế đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng, ngành y tế đã đạt được những thành tựu nhất định: Ổn định hệ thống tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực; cơ sở hạ tầng, thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ; nhân lực dần đáp ứng về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng; dịch vụ y tế ngày càng đa dạng và gần dân; chất lượng, năng lực khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao; y tế tuyến cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển...

Về hạ tầng phát triển du lịch, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hòa Bình có 67 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, trong đó có 03 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 36.477,248 tỷ đồng; 448 cơ sở lưu trú được thẩm định, trong đó có 09 khách sạn 3 sao, 26 khu nghỉ dưỡng khách sạn 2 sao, 6 khách sạn 1 sao, 06 biệt thự căn hộ đạt chuẩn, 401 nhà nghỉ, nhà sàn du lịch cộng đồng; có 09 điểm du lịch địa phương, 01 khu du lịch cấp tỉnh đã công nhận; có 07 Công ty lữ hành nội địa, Chi nhánh văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn tỉnh; có trên 200 xe điện và trên 300 phương tiện vận chuyển thủy, bộ tham gia phục vụ vận chuyển khách…/.