DetailController

Kinh tế

Hiệu quả từ việc triển khai Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư về nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân

15/01/2024 16:30
Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư; Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 06/8/2021 của BTV Tỉnh ủy, năm 2023, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đề án 61 tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội Nông dân và xây dựng giai cấp nông dân trong tỉnh.
Các mô hình sản xuất hiệu quả của hội viên xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần nâng cao kinh tế, tạo nhiều việc làm của người dân địa phương.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của Kết luận số 61-KL/TW đối với tổ chức Hội Nông dân, BCĐ Đề án 61 các cấp đã làm tốt công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Tích cực tuyên truyền Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028; chủ động tổ chức thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc hội nghị, sinh hoạt Hội, Bản tin, trang Website, băng rôn, khẩu hiệu, phóng sự, tin bài, mô hình điển hình, gương “người tốt việc tốt”.

BTV Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng, ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân đảm bảo chất lượng và đạt chỉ tiêu kế hoạch; hướng dẫn các hộ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2023 tăng trưởng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân 8,248 tỷ đồng, nâng tổng số Quỹ Hỗ trợ nông dân 54,288 tỷ đồng, đang cho vay 184 dự án cho 1.607 hộ vay. Các cấp Hội phối hợp với các Ngân hàng nhận ủy thác, đến nay mức dư nợ tại các Ngân hàng đạt 3.841,225 tỷ đồng. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm quản lý nguồn vốn hiệu quả và biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong quản lý nguồn vốn. Thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và nguồn vốn của các Ngân hàng đã giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cùng với các cấp, các ngành đã tuyên truyền Luật hợp tác xã, vận động hội viên, nông dân tham gia củng cố các hợp tác xã hiện có, hình thành các tổ liên kết, liên doanh, tổ hợp tác và thành lập các hợp tác xã mới theo Luật. Hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và phù hợp với trình độ phát triển. Năm 2023, Hội hỗ trợ thành lập mới được 119 mô hình kinh tế tập thể, nâng tổng số đến nay 240 hợp tác xã với 2.065 thành viên; 598 tổ hợp tác với 6.442 thành viên. Có 1 Hợp tác xã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là Hợp tác xã điển hình toàn quốc. Hội cũng hỗ trợ xây dựng 1 mô hình “Phát triển sản xuất cây cà gai leo theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề” tại xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy.

Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh liên kết với các cơ quan liên quan đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hỗ trợ 19 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo tài khoản, gian  hàng trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình. Đẩy mạnh phân phối hàng hóa nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã qua “Gian hàng Việt  trực  tuyến” trên 3 Sàn thương mại điện tử , gồm: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn Postmart.vn); Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (sàn voso.vn); Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ-thuộc Tập đoàn FPT (sàn sendo.vn). Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức 2 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Lễ hội cá tôm Sông Đà lần thứ nhất; hỗ trợ xây dựng mới 3 cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn tại huyện Yên Thủy, thành phố Hòa Bình, Đà Bắc; từ đó làm điểm quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm an toàn, VietGap, hữu cơ, OCOP của tỉnh cho nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 10 cửa hàng nông sản. Đồng thời, các cấp Hội tích cực tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng chuyển đổi số, truy cập và sử dụng mạng Internet nắm bắt nhu cầu thị trường để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng kiến thức về khoa học, công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

BCĐ Đề án 61 cũng tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa; định hướng từ sản xuất hộ sang sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng liên kết; từ sản xuất chú trọng năng suất chuyển hướng sang chú trọng giá trị gia tăng. Tăng cường áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên, tạo nhiều việc làm theo hình thức xây dựng các mô hình liên kết. Xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: Mô hình trồng rau hữu cơ huyện Lương Sơn, Tân Lạc; cây có múi hữu cơ, VietGAP huyện Cao Phong; mô hình chăn nuôi gà, nuôi cá lồng thành phố Hòa Bình, Đà Bắc, Lạc Thủy, Lương Sơn…

Chương trình “Nhà mái ấm nông dân” do Hội Nông dân vận đông nhằm hỗ trợ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống nhận được sự tham gia tích cực của hội viên. Hiện đã khởi công xây dựng và bàn giao 20 nhà, bình quân mỗi nhà hỗ trợ trên 22 triệu đồng/nhà, tổng trị giá 455 triệu đồng. Tổng số nhà được hỗ trợ cho hội viên nông dân là 187 nhà. Bên cạnh đó, các cán bộ, hội viên nông dân đã hỗ trợ ngày công lao động tu sửa nhà dột nát, dọn vệ sinh,... giúp đỡ hội viên nông dân và con em hội viên nông dân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ già yếu neo đơn và hộ gia đình chính sách.

Các cấp ủy, chính quyền, BCĐ 61 đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”,“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát động thi đua tham gia các hoạt động thực hiện bảo vệ môi trường ở nông thôn, đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”. Tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây”, hưởng ứng chương trình “trồng 1 tỷ cây xanh - vì một Việt Nam xanh” và phong trào trồng “Hàng cây nông dân” gắn với xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh, cấp huyện triển khai hiệu quả, đã tạo điều kiện cho các cấp Hội và hội viên, nông dân trực tiếp tham gia xây dựng và thực hiện các Chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch đất đai, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhất là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Năm 2023, Hội Nông dân các cấp phối hợp hỗ trợ duy trì và xây dựng 23 mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 19 vườn mẫu nâng tổng số lên 117 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 219 vườn mẫu. Toàn tỉnh đến nay có 80/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 28 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 67 Khu dân cư kiểu mẫu, 181 vườn mẫu. Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh; 3 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự chỉ đạo quyết liệt và tích cực kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo Đề án 61 các cấp; sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của địa phương, do đó các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương được thuận lợi./.