DetailController

Tin từ các đơn vị

Từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Mông

23/04/2012 00:00
Hai xã Hang Kia và Pà Cò của huyện vùng cao Mai Châu có diện tích đất tự nhiên là 4.045 ha, với 1.058 hộ gia đình, 5.459 nhân khấu, chiếm 98,8% dân số. Là địa bàn bộ phận dân phát triển. Song, với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh, Hòa Bình đã từng bước thực hiện tốt một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông.

Để tập trung nội lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong việc thực hiện một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông, Hòa Bình đã kịp thời triển khai quán triệt Thông báo Kết luận số 64-TB/TW ngày 09/3/2007 “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông” đến mọi cán bộ, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và huyện Mai Châu. Gắn việc thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung với việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Và để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vùng đồng bào Mông, năm 2008 Huyện uỷ Mai Châu đã có Chỉ thị số 24-CT/HU về chỉ đạo công tác tết dân tộc Mông và thực hiện cuộc vận động “4 không”: “không có học sinh bỏ học, không có người cưới tảo hôn, không tái trồng cây thuốc phiện, không vi phạm an toàn giao thông”. Năm 2010 Tỉnh uỷ ban hành Đề án số 03- ĐA/TU về “Củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu”.

Qua triển khai thực hiện, tình hình phảt triển kinh tế - xã hội của 02 xã đã có nhiều chuyển biến. Từ việc tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007, đạt 4,5% thì đến năm 2011 đạt trên 5%, thu nhập bình quân đầu người 3,6 triệu đồng/năm, tăng 5,3% so với cùng kỳ, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 35,6%. Kết cấu hạ tầng có bước phát triển, các tuyến đường liên xã được đầu tư nâng cấp, số hộ dùng điện lưới quốc gia ngày càng tăng. Hai xã đều có điểm bưu điện văn hoá xã, trạm BTS thu phát sóng điện thoại, trạm thu phát lại truyền hình. Các trường học được xây dựng khang trang sạch đẹp. Hai xã có gần 600 bể nước sạch, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của đồng bào.

Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục- đào tạo ở 02 xã ngày càng được quan tâm, công tác phổ cập giáo dục được tập trung chỉ đạo, hai xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ vào các năm 1995 và 1997. Xã Pà Cò đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở năm 2007 và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2009, chất lượng dạy và học tiếp tục được nâng cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được coi trọng. Đến nay 02 xã đã có trạm y tế được trang bị đủ thiết bị y tế cơ bản. Đội ngũ cán bộ y tế được bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ. Hàng năm có gần 3.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị bệnh tại trạm y tế xã.  

Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được duy trì; bản sắc văn hoá dân tộc được bảo tồn và phát huy. Việc thực hiện quy ước làng văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất được đẩy mạnh. Đồng bào Mông tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao rèn luyện sức khoẻ.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, hàng năm, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện thường xuyên phối hợp, tổ chức giao lưu văn nghệ, chiếu phim, kết hợp với việc tuyên truyền, tìm hiểu chính sách, pháp luật, phổ biến khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt giúp đồng bào Mông chủ động sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ đó, đồng bào luôn yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hăng hái tham gia phòng chống các tai tệ nạn xã hội, ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn bán vận chuyển, sử dụng ma túy góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, không để kẻ xấu lợi dụng./.