DetailController

Kinh tế

Triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng

12/10/2023 16:30
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự vào cuộc của hệ thống chính trị về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia: Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững (GNBV), Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2021-2025, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân được nâng lên, mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện Kim Bôi

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia, gồm 37 thành viên, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, 06 đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và một số lãnh đạo các Sở, ngành gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thường trực, tổng hợp chung các Chương trình; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Chương trình NTM; Trưởng Ban Dân tộc chịu trách nhiệm thực hiện Chương trình DTTS&MN và Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện Chương trình GNBV. Để việc thực hiện các Chương trình phát huy hiệu quả, ngay sau khi Ban Chỉ đạo được thành lập, đã ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ các Thành viên. Công tác kiện toàn, thành lập bộ máy giúp việc gồm: Văn phòng điều phối các Chương trình được thành lập và kiện toàn, từng bước tổ chức hoạt động hiệu quả, kịp thời tham mưu trong việc triển khai thực hiện các chương trình … Trên cơ sở các Nghị quyết do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, ngành đã ban hành các Quyết định, Kế hoạch thực hiện và các văn bản các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về các Chương trình theo thẩm quyền.

Trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện 03 Chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động cân đối bố trí vốn ngân sách địa phương thực hiện các Chương trình, cụ thể: Chương trình DTTS&MN 143.047 triệu đồng; Chương trình GNBV 29.699 triệu đồng; Chương trình NTM 495.850 triệu đồng.

Thực hiện các chương trình tín dụng năm 2021, ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hòa Bình đã cho 33.562 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay là 1.260.540 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm trong đó có 4.506 lượt hộ nghèo vay với doanh số cho vay là 193.950 triệu đồng; 5.003 lượt hộ cận nghèo vay với doanh số cho vay là 220.356 triệu đồng; 4.381 lượt hộ mới thoát nghèo vay với doanh số cho vay là 205.528 triệu đồng và một số chương trình khác... Đến hết 31/12/2021 tổng số khách hàng còn dư nợ vốn là 120.947 hộ với tổng dư nợ là 3.624.991 triệu đồng. Năm 2022: Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hòa Bình đã cho 33.957 lượt khách hàng vay vốn với danh số cho vay là 1.405.466 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm trong đó có: 6.241 lượt hộ nghèo vay với doanh số cho vay là 307.252 triệu đồng; 4.166 lượt hộ cận nghèo vay với doanh số cho vay là 204.240 triệu đồng; 1.610 lượt hộ mới thoát nghèo vay với doanh số cho vay là 81.150 triệu đồng và một số chương trình khác... Đến hết 31/12/2022 tổng số khách hàng còn dư nợ vốn là 122.908 hộ với tổng dư nợ là 3.827.609 triệu đồng.

Trong các năm 2021-2023, nhân dịp Tết nguyên đán hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ nghèo ăn tết với số kinh phí 35.825 triệu đồng cụ thể là: Năm 2021 là 8.669 triệu đồng; Năm 2022 là 13.611 triệu đồng và năm 2023 là 13.545 triệu đồng. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm hỗ trợ cho hộ nghèo ăn tết thông qua Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội khác. Thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, giai đoạn 2021-2023 đã vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với số lượng là 875 căn nhà, tương đương: 32.400 triệu đồng.

Đến nay, các Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn; có nhiều mô hình trong sản xuất, chăn nuôi đã đem lại hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; chất lượng giáo dục, y tế, công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên; đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển; phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Công tác nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, cấp xã, cấp thôn được chú trọng, toàn tỉnh có thêm các đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm các xã nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp được kiện toàn và ngày càng chuyên nghiệp, góp phần thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo các cấp. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chuyển biến, góp phần nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.

Kết quả, toàn tỉnh có có 03 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: Thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và huyện Lạc Thủy; số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 73 xã; số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 28 xã; số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 01 xã; có 60 Khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. Chương trình giảm nghèo bền vững, Sở LĐ, TB& XH đã thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo từ năm 2021-2023 và các hạng mục dự án của chương trình. Về Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 145 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố của tỉnh được thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (trong đó có 421 thôn, xóm thuộc 59 xã khu vực III; 38 thôn xóm thuộc 74 xã khu vực I và 48 thôn, xóm thuộc 12 xã khu vực II); dự kiến hoàn thành 100% các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình./.