DetailController

Chỉ đạo điều hành

Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024

28/03/2024 16:24
Ngày 26/3, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND Triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 có chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Thời gian từ ngày 01/6 đến ngày 30/6/2024. Phạm vi triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

Thông điệp truyền thông: Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em; Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách đối với trẻ em; Bảo đảm quyền trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển đất nước; Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Tăng cường chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Tổng đài 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi; Phòng ngừa và chấm dứt lao động trẻ em vì sự phát triển bền vững; Chăm sóc sức khỏe tâm thần để trẻ em phát triển toàn diện; Phòng, chống tai nạn, thương tích để đảm bảo quyền được sống của trẻ em; Gia đình, cộng đồng giám sát, trông giữ trẻ em để đề phòng, phòng chống đuối nước; Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em: Căn cứ tình hình thực tế của địa phương để tổ chức Lễ phát động hoặc tổ chức các hình thức khác phù hợp. Thời gian tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em vào cuối tháng 5 hoặc ngày 01 tháng 6 năm 2024. Nội dung hoạt động của Tháng hành động vì trẻ em thực hiện theo Thông tư số 28/2019/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn tổ chức Tháng hành động vì trẻ em.

Hoạt động truyền thông: Tổ chức đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên trong việc chung tay chăm lo cho trẻ em nhằm vận động toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em với phương châm mỗi người một hành động vì trẻ em, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em. Tăng cường nhận thức, kỹ năng của trẻ em, gia đình, cộng đồng chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Truyền thông đồng thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đến từng gia đình, cộng đồng dân cư. Đăng tải các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em. Truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương. Sử dụng các sản phẩm, tài liệu truyền thông mẫu được đăng tải trên website của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (http://tongdai111.vn) và fanpage Truyền hình Vì Trẻ em VTV1.

Hoạt động Ngày Quốc tế thiếu nhi (01/6) và hỗ trợ, chăm sóc, thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: Thăm hỏi, động viên và gửi quà tặng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi; trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo; trẻ em một số cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em... nhân dịp Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6). Triển khai các giải pháp, mô hình hoạt động về xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em thuộc trách nhiệm và thẩm quyền để phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông; bàn giao quản lý trẻ em trong dịp hè; triển khai các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp để trẻ em thảo luận, đề xuất kiến nghị, sáng kiến bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em. Vận động sự đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực, mua bán; thăm tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; xây dựng các công trình, trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em. Tăng cường vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã thuộc vùng khó khăn, trẻ em vùng dân tộc thiểu số miền núi, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Thúc đẩy sự tham gia của trẻ em: Tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em như: diễn đàn, chương trình tọa đàm, đối thoại... để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em và lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng các chính sách, văn bản liên quan đến trẻ em. Hướng dẫn trẻ em về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em. Lựa chọn các hình thức tổ chức hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ em phù hợp với điều kiện thực tế, ưu tiên các hình thức như các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội...

Hoạt động kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh: Tổ chức việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư. Chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho trẻ em nhất là tai nạn đuối nước trong dịp hè, mùa mưa bão. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh phù hợp với từng lứa tuổi cho trẻ em như: thi các trò chơi dân gian, thi văn nghệ, bóng đá, bóng bàn, cầu lông,... đảm bảo an toàn và lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè. Tổ chức các cuộc thi: Thi vẽ tranh, tìm hiểu kiến thức,... về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Tổ chức các lớp dạy bơi trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông; kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh. Tổ chức hoạt động và thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương để trẻ em được phát huy quyền tham gia và học các kỹ năng an toàn cá nhân, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, phát hiện, tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Bố trí kinh phí và vận động xã hội xây dựng các công trình dành cho trẻ em (khu vui chơi giải trí, bể bơi, nâng cấp trường, lớp học...).

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động cấp tỉnh nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2024; tham mưu tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6). Thực hiện tuyên truyền thông điệp về Tháng hành động vì trẻ em. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hòa Bình tuyên truyền các hoạt động nhân tháng Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình mỗi xã, phường có ít nhất một điểm vui chơi dành riêng cho trẻ em. Tham gia Chương trình gặp mặt đại biểu trẻ em tiêu biểu năm 2024 do Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức. Phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Đề xuất khen thưởng cho các cá nhân, tập thể làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Theo dõi, giám sát quá trình thực hiện Kế hoạch; Báo cáo kết quả tổ chức Tháng hành động về Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trách nhiệm của các ngành, các cấp và công tác phối hợp giữa ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Công an; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp để bảo vệ trẻ em kịp thời và hiệu quả; cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường vận động nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và thực hiện các mục tiêu vì trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện quyền trẻ em, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em nhất là hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia thực hiện các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên của tổ chức tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Theo dõi, giám sát, phản biện xã hội trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phát động phong trào toàn dân tham gia chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật, vận động mọi người dân phát hiện, ngăn chặn, tố giác những vấn đề nóng về trẻ em như bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích...

Đề nghị Tỉnh đoàn Thanh niên hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Đoàn xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương. Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục kỹ năng sống, tự bảo vệ, phòng tránh nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, bóc lột lao động, tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích (đặc biệt tại nạn đuối nước, giao thông), sử dụng mạng internet an toàn,.... Huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, đặc biệt là trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 trên địa bàn và chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng, tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 phù hợp với điều kiện địa phương. Chỉ đạo xây dựng, nâng cấp các công trình (trường, lớp học, nhà bán trú, thư viện, sân chơi...) dành cho trẻ em với phương thức mỗi xã, phường, thị trấn có 01 công trình vì trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em. Bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực tổ chức Tháng hành động vì trẻ em, nhất là các hoạt động tuyên truyền; hỗ trợ, chăm sóc; thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Lồng ghép tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6, ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức tốt các hoạt động trong kỳ nghỉ hè đảm bảo an toàn, lành mạnh. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm quyền trẻ em./.