DetailController

Các dự án kêu gọi đầu tư

Triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

02/10/2014 00:00
Năm 2013, chỉ số PCI của tỉnh đạt thấp, đứng thứ 62/63 so với các địa phương khác trong cả nước. Thực trạng trên đòi hỏi tỉnh gấp rút có những giải pháp tích cực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất(ảnh: dây chuyền chế biến gỗ ép tại công ty TNHH MDF Vinafor- Tân An Hòa Bình tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy)

Theo báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam(VCCI), thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh Hòa Bình từ năm 2010 đến năm 2012 liên tục tăng, năm 2010 xếp hạng 60/63 thuộc nhóm xếp hạng thấp; năm 2011 xếp hạng 47/63, tăng 13 bậc, thuộc nhóm xếp hạng khá; năm 2012 tiếp tục tăng 6 bậc so với năm 2011, xếp hạng 41/63; tuy nhiên năm 2013 lại tụt 21 bậc so và chỉ xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm xếp hạng thấp. Theo phân tích có 7/10 chỉ số thành phần thuộc thứ bậc thấp đó là các chỉ số về: chi phí gia nhập thị trường, chi phí về thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Phân tích cụ thể chi phí gia nhập thị trường của tỉnh ta được 6,83 điểm, xếp thứ bậc 57; chi phí đánh giá sau khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để đi vào hoạt động thì doanh nghiệp chờ mất nhiều thời gian. Nguyên nhân của vấn đề này là do hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa rất kém; thủ tục, phí và lệ phí chưa được niêm yết công khai; cán bộ có trình độ chuyên môn hạn chế, không thân thiện và thiếu nhiệt tình; hướng dẫn chưa được rõ ràng, ứng dụng công nghệ còn yếu kém; do đó có rất ít doanh nghiệp thực hiện đăng ký tại bộ phận một cửa. Chỉ số thành phần về chi phí không chính thức cũng xếp thứ bậc thấp, được 5,08 điểm, xếp thứ 57 trên 63 tỉnh thành. Theo phân tích các doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức diễn ra phổ biến với giá trị tương đối lớn. Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra.

Tỉnh Hòa Bình được đánh giá cao ở ba chỉ số thành phần là tiếp cận đất đai, tính minh bạch và thiết chế pháp lý. Về chỉ số tiếp cận đất đai, theo đánh giá năm 2013 được 6,82 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh thành; chỉ số này được đánh giá xếp thứ hạng khá, do hàng năm tỉnh đều thực hiện thay đổi khung giá đất tương đối phù hợp với giá thị trường. Chính điều trên đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi tiếp cận quỹ đất để tiến hành sản xuất kinh doanh, mở rộng mặt bằng sản xuất. Đa số doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phần lớn diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin, cùng với những quy định của tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt. Cổng thông tin điện tử tỉnh cập nhật liên tục các văn bản quy phạm pháp luật, các chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; các trang thông tin điện tử của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành được vận hành duy trì hoạt động thường xuyên trở thành nguồn cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã thực hiện truy cập vào các website để tìm kiếm, khai thác thông tin, các tài liệu ngân sách tương đối chi tiết giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin nhanh và chính xác, đồng thời có những phản biện, đóng góp trong việc xây dựng chính sách của tỉnh. Chỉ số về thiết chế pháp lý của tỉnh Hòa Bình được đánh giá cao, được 6,9 điểm xếp thứ 3/63 tỉnh thành, tăng 49 bậc so với năm 2012. Điều đó cho thấy có rất ít vụ việc kinh tế phải giải quyết trước pháp luật; mặt khác, hệ thống cơ quan pháp luật, đặc biệt là toà án kinh tế cấp tỉnh và các cơ quan hỗ trợ pháp lý hoạt động tích cực trong việc giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi tham nhũng, đưa ra các phán quyết công bằng với các khoản chi phí hợp lý, được doanh nghiệp tin tưởng trong việc bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần phải thực hiện trong thời gian dài, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp và sự hợp tác của các doanh nghiệp; một số chỉ số thành phần các thành phố lớn sẽ có ưu thế hơn như về nhân lực lao động địa phương, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Mặt khác, phải thẳng thắn thừa nhận sự tụt hạng chỉ số PCI cũng phản ánh một phần của nền kinh tế còn những yếu kém nội tại cần phải khắc phục. Một số hạn chế như: năng lực của cán bộ cơ quan quản lý nhà nước còn yếu, chất lượng công vụ chưa cao và công tác phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết thủ tục hành chính còn phiền hà gây kéo dài thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp không quan tâm đến chỉ số PCI có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả điều tra. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần nỗ lực thường xuyên của chính quyền địa phương và sự hợp tác tích cực của doanh nghiệp, để cùng hỗ trợ và phát triển.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tháng 8 vừa qua, tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng Ban. Với nhiệm vụ chính chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất, tổ chức việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chỉ đạo kiểm tra đôn đốc, đánh giá việc triển khai công tác cải thiện môi trường đầu tư. Cũng trong 3 tháng từ tháng 7 tới tháng 9 năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND của 11 huyện, thành phố tổ chức hội nghị phổ biến, trao đổi với các doanh nghiệp dân doanh về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong tỉnh. Tại hội nghị, các doanh nghiệp được phổ biến các nội dung cơ bản để hiểu đúng về chỉ số PCI; các chỉ số thành phần kém và rất kém cần tập trung cải thiện tại tỉnh ta. Các hội nghị được tổ chức nhằm phổ biến những hiểu biết cơ bản, chính xác; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chỉ số PCI cho doanh nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung cải thiện chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, gia tăng tính minh bạch, rút gọn thời gian. Các sở, ngành, địa phương cần quán triệt thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 1/8/2013 và Chỉ thị 08 ngày 19/5/2014 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Hòa Bình./.