
Theo thống kê, tỷ suất sinh ở nữ vị thành niên (15-19 tuổi) theo báo cáo của trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình đã giảm đáng kể từ 31 ca sinh/1.000 phụ nữ (năm 2016) xuống còn 24 ca sinh/1.000 phụ nữ (năm 2019). Tỷ lệ vị thành niên mang thai/tổng số phụ nữ có thai là 2,1%. Tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của vị thành niên ở nhóm tuổi 14-24 là 18,7%. Vị thành niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân là 15%. Vị thành niên, thanh niên chưa có kiến thức đầy đủ và thực hành chưa đúng về các vấn đề sức khỏe tình dục, tỷ lệ không sử dụng biện pháp tránh thai là 28%.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hòa Bình, tình trạng tảo hôn có xu hướng tăng, đa số vị thành niên mang thai, tảo hôn ở tuổi từ 15 trở lên. Tuổi tảo hôn thấp nhất là 13 tuổi, có trường hợp cả cặp vợ chồng trong độ tuổi tảo hôn, có trường hợp chỉ có vợ trong độ tuổi tảo hôn và tảo hôn nữ nhiều hơn tảo hôn nam. Tình trạng tảo hôn đều có ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Trong tổng số nữ trong độ tuổi 15-24, có 18/1.000 người đã từng phá thai, tình trạng nạo phá thai đang là vấn đề "nóng”. Năm 2019, theo thống kê của hệ thống Chăm sóc sức khỏe sinh sản, tỷ lệ phá thai là 4,9%. Tuy nhiên, tuổi vị thành niên, thanh niên phá thai "chui” tại các cơ sở y tế tư là một thực tế diễn ra khá phổ biến mà hệ thống báo cáo về Chăm sóc sức khỏe sinh sản không thống kê được số ca nạo, phá thai ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên.
Tại mỗi cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều có triển khai cung cấp dịch vụ Vị thành niên, thanh niên nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên nói riêng. Tuy nhiên hầu như các Vị thành niên, thanh niên không tiếp cận do e ngại hoặc là các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. Chương trình sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên còn thiếu hụt trong giải quyết các vấn đề của các nhóm thiệt thòi, dân tộc thiểu số. Trong những năm qua Sở Y tế Hòa Bình đã phối hợp với Sở giáo dục, Hội phụ nữ tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, sinh hoạt theo chủ đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên trong các trường học và các buổi họp phụ nữ tại huyện, xã. Các chương trình thông tin - giáo dục - truyền thông và cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên được triển khai trong chương trình mục tiêu Quốc gia về Dân số - Y tế. Triển khai một số nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện dựa trên Hướng dẫn quốc gia như: điểm cung cấp dịch vụ thân thiện vị thành niên, thanh niên; câu lạc bộ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên….đã đem lại những hiệu quả khá tích cực.
Trên cơ sở nền tảng những kết quả đã đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021 – 2025. Với mục tiêu chung là cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên góp phần đưa VTN, TN trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh, phát huy hết tiềm năng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, nhằm đạt được 3 mục tiêu cụ thể: Mục tiêu 1: Truyền thông vận động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho VTN, TN dựa trên bằng chứng; Mục tiêu 2: Tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của VTN, TN và các đối tượng liên quan (cha mẹ, thầy cô, cán bộ Đoàn thanh niên...) thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục và tư vấn phù hợp với đặc thù của các đối tượng, ưu tiên trong trường học, khu công nghiệp và một số nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên; Mục tiêu 3: Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện cho vị thành niên, thanh niên.
Trong đó phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cụ thể như: Ít nhất 80% VTN, TN có hiểu biết về những nội dung cơ bản trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai, hậu quả của mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản/ lây truyền qua đường tình dục. Ít nhất 80% các thầy cô giáo, cha mẹ được cung cấp thông tin về chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên. Ít nhất 80% thanh niên trẻ là người lao động trong các khu công nghiệp có hiểu biết về các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác chăm sóc SKSS, SKTD (như BHXH, BHYT trong chăm sóc thai sản, biện pháp tránh thai, thông tin về các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD...). Ít nhất 80% VTN, TN được tiếp cận các cơ sở cung cấp dịch vụ có chất lượng về chăm sóc SKSS, sức khoẻ tình dục. Ít nhất 50% thanh niên lứa tuổi 15-24 có hành vi tình dục an toàn. 90% cơ sở chăm sóc SKSS tại tất cả các tuyến thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên. 80% nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại ở phụ nữ độ tuổi 1524 được đáp ứng. Tỷ lệ mang thai ở vị thành niên/tổng số phụ nữ mang thai trong năm, báo cáo giảm từ 2,1% xuống còn 1,8%. Tỷ suất sinh ở VTN giảm từ 24 ca sinh/1.000 phụ nữ xuống còn 18 ca sinh/1.000 phụ nữ.
Đối tượng can thiệp chính được xác định ưu tiên là: Vị thành niên, thanh niên bao gồm các nhóm đối tượng ưu tiên (Vị thành niên, thanh niên tại trường Trung học phổ thông, trung học cơ sở và các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; thanh niên tại các khu công nghiệp, vùng nông thôn, các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Nhân viên y tế tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ Đoàn thanh niên….)./.