DetailController

Chuyển đổi số

Triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”

18/11/2022 00:00
Nhằm tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; ngày 17/11/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, sẽ triển khai thống nhất một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% học sinh sử dụng; hình thành kho học liệu trực tuyến của tỉnh đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho trên 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông; tỉ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 20% ở cấp tiểu học, 50% ở cấp trung học; 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hoặc mức độ 3 nếu không phát sinh thanh toán); 90% người học, phụ huynh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở giáo dục đạt trung bình.

Phấn đấu đến năm 2030, đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số. Trong đó, hoàn thiện một nền tảng dạy và học trực tuyến của tỉnh tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục của tỉnh được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Kế hoạch xây dựng 6 giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học, nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về Chính phủ điện tử (HCI); huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch là 280 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan đầu mỗi chủ trì thực hiện Kế hoạch, có trách nhiệm phối hợp cùng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch. Chủ trì xây dựng Kế hoạch chi tiết, dự toán kinh phí hằng năm gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

Các sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện phát triển chính phủ điện tử, chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý cụ thể hóa nội dung trong các chương trình, đề án, kế hoạch, thực hiện Kế hoạch trong phạm vi, quyền hạn được giao. Có giải pháp tăng cường nguồn lực bảo đảm điều kiện chuyển đổi số các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý. Hằng năm, tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện./.